Thanh Hóa là một trong những tỉnh có nhiều chợ nhất trên toàn quốc |
Ông Lữ Minh Thư - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa - cho biết, hiện nay, công tác xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam 11856:2017 còn gặp nhiều khó khắn, vướng mắc. Đặc biệt, ở Thanh Hóa, các chợ dân sinh tại khu vực nông thôn chủ yếu hoạt động không thường xuyên, họp theo phiên; cơ sở vật chất kém, không bảo đảm thực hiện các tiêu chí về cơ sở vật chất, nhất là các tiêu chí về phòng cháy, chữa cháy, hệ thống nền, sàn chợ, hệ thống cấp thoát nước.... Trong khi đó, đa số các địa phương đều gặp khó khăn về nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ kinh doanh. Mặt khác, việc thu hút đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa rất khó khăn, do hiệu quả kinh doanh chợ chưa cao, dẫn đến tiến độ xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017 còn chậm so với yêu cầu.
Do vậy, xây dựng chợ ATTP là mục tiêu quan trọng đối với việc bảo đảm vệ sinh ATTP của hàng hóa thực phẩm trong khâu lưu thông; góp phần bảo vệ quyền lợi của NTD; nâng cao ý thức trách nhiệm của đơn vị quản lý chợ và các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm trong chợ. Công tác xây dựng và nhân rộng mô hình chợ ATTP ở tỉnh Thanh Hóa đã và đang diễn ra với sự quyết tâm cao độ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác bảo đảm ATTP tại các chợ trên địa bàn tỉnh.
Để có được kết quả khả quan, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã rút ra một số kinh nghiệm và giải pháp đẩy mạnh xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm. Theo đó, muốn xây dựng thành công chợ kinh doanh thực phẩm, cần có sự vào cuộc quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp của các đơn vị quản lý, khai thác chợ, cũng như những hộ tiểu thương kinh doanh trong chợ. Việc tăng cường thông tin, tuyên truyền đến các cấp, ngành, đông đảo người dân và các đơn vị quản lý chợ về xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm có ý nghĩa quan trọng đối với quyền lợi của NTD; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, việc xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm đòi hỏi phải có nhiều kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; cần phải huy động kinh phí từ nhiều nguồn như ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa… Do đó, việc xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm gắn với công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ là rất cần thiết. Tỉnh Thanh Hóa đã quyết tâm thực hiện và rất thành công trong việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 19/3/2019 về tăng cường kiểm soát thực phẩm cung ứng từ ngoài tỉnh vào trong tỉnh đáp ứng các quy định về ATTP đến năm 2020, Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 về Quy định tiêu chí, trình tự thủ tục, hồ sơ công nhận, công khai xã, phường, thị trấn an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh…
Tỉnh Thanh Hóa đã triển khai trên toàn bộ 635 xã, phường, thị trấn, với nội dung chủ yếu tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đáp ứng các điều kiện về ATTP; các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ. |