Hà Nội trao danh hiệu 15 làng nghề và 104 sản phẩm OCOP đạt 4 sao 350 gian hàng tham dự Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ năm 2024 |
Nhiều sản phẩm OCOP đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính
Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, với sự nỗ lực của các địa phương, các chủ thể, đến ngày 18/4/2024, tỉnh Thanh Hóa có 479 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Với kết quả này, tỉnh Thanh Hóa chỉ xếp sau thành phố Hà Nội và vươn lên đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.
Nem chua - sản phẩm OCOP đặc trưng của người xứ Thanh. (Ảnh: Hoàng Minh) |
Cũng theo Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa Bùi Công Anh, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 27/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đều đã có sản phẩm OCOP. Chương trình OCOP ngày càng đi vào chiều sâu, với sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương, thành phần kinh tế tư nhân, tập thể, hộ gia đình, qua đó đã thúc đẩy kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển.
“Trong số 479 sản phẩm OCOP, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có trên 30 sản phẩm OCOP xuất khẩu đến 32 nước như: Mỹ, Nhật, Úc, Nga, Đức, Pháp, Trung Quốc; châu Âu; các nước khu vực Asean, Tây Ba Nha, các nước Trung Đông… Đây là minh chứng cho những nỗ lực trong việc triển khai Chương trình OCOP ở Thanh Hóa” – ông Bùi Công Anh nhấn mạnh.
Thấy rõ việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP không chỉ tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho chủ thể khi tham gia, mà Chương trình OCOP còn thúc đẩy kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển mạnh. Trên cơ sở đó, năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu có thêm 120 sản phẩm OCOP trở lên. Trong đó, có 4 sản phẩm OCOP 5 sao, 13 sản phẩm OCOP 4 sao. Riêng quý I năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã có thêm 15 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Các sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Hoàng Minh) |
Thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP sẽ giúp các chủ thể vững vàng hơn trong sản xuất, kinh doanh nhờ được thụ hưởng nhiều cơ chế hỗ trợ thiết thực. Các chủ thể tham gia chương trình ngày càng mạnh dạn đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất mới, tiên tiến phục vụ sản xuất; chất lượng sản phẩm dần được nâng cao. Trong đó, khâu an toàn, vệ sinh thực phẩm được chú trọng; mẫu mã, bao bì, nhãn mác được cải tiến. Đáng chú ý, các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương dần khẳng định được thương hiệu và được nhiều người biết đến.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa, đến nay, hầu hết chủ cơ sở có sản phẩm OCOP đã tích cực chuyển đổi số để tăng lợi nhuận và việc làm cho người lao động. Chương trình OCOP đã có sức lan tỏa mạnh mẽ tại các vùng miền, địa phương.
Các chủ thể đã tích cực chủ động tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Do đó, doanh thu các sản phẩm OCOP tăng lên từ 15 – 20%, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Hiện nay tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 1/3 sản phẩm OCOP đã được lên sàn thương mại điện tử postmart.com.vn và các sàn thương mại điện tử khác, góp phần xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường. Qua đó, cập nhật, giới thiệu sản phẩm mũi nhọn được các huyện đề xuất thực hiện truyền thông quảng bá trên trang thông tin điện tử giới thiệu nông sản Thanh Hóa “Đồng hành cùng người Việt, nâng tầm nông sản Việt”.
Đẩy mạnh kết nối, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP
Để giúp các chủ thể tiêu thụ sản phẩm OCOP, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng kết nối, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP của Thanh Hóa đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã được các sở, ngành quan tâm, triển khai có hiệu quả, như: Hội chợ kết nối cung cầu nông sản và thực phẩm an toàn, Chợ sản phẩm OCOP dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và nhiều hội chợ triển lãm, hội nghị xúc tiến thương mại khác.
Tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng kết nối, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP. (Ảnh: Hoàng Minh) |
Đáng chú ý, một số địa phương còn hỗ trợ để các thành phần kinh tế xây dựng cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP, như: Huyện Hoằng Hóa, huyện Nông Cống, thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa... Cụ thể, thị xã Nghi Sơn đã khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng được 3 cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP ở các phường trên địa bàn. Qua đó, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, tạo thêm cơ hội để người dân tiếp cận, sử dụng những sản phẩm OCOP trong, ngoài tỉnh.
Còn tại TP Thanh Hóa, cứ vào thứ 7 hằng tuần, các sản phẩm OCOP lại được triển khai các gian hàng trưng bày, bán tại Công viên Hội An, thu hút khá đông khách hàng.
Chị Mai Thị Nhung, trú tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa cho biết: “Thứ 7 tuần nào tôi cũng đưa gia đình lên Công viên Hội An để thăm quan, mua sắm đồ thiết yếu cho gia đình. Các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP ở đây rất đa dạng, phong phú, chất lượng tốt, tôi rất ưng ý. Từ ngày tiêu dùng sản phẩm OCOP, tôi đã bỏ hẳn thói quen lâu nay vẫn hay dùng hàng nhập ngoại”.
Thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 30 cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP và hàng chục điểm bán sản phẩm OCOP dưới dạng quà tặng, quà lưu niệm tại các khu, điểm du lịch. Đây không chỉ là những địa chỉ tin cậy nhằm quảng bá và giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa và cả nước, mà còn là địa chỉ mua sắm tin cậy cho người tiêu dùng, du khách.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Công Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để thúc đẩy phát triển Chương trình OCOP, Hội đồng nhân dân tỉnh đã có Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025.
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính (Ảnh: Hoàng Minh) |
Theo đó, quy định hỗ trợ một lần, với mức 75 triệu đồng/sản phẩm để hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền; thiết kế mẫu mã, mua bao bì, nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Cùng với đó, các địa phương cũng xây dựng những cơ chế riêng để hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Có thể khẳng định, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy sản phẩm OCOP phát triển. Qua đó, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.