Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa quan tâm, đặc biệt là với khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS. Theo đó, Thanh Hóa cũng phát triển, nâng cao chất lượng nhiều trung tâm đào tạo nghề… Trong đó, có Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hoá. Nhắc tới ngôi trường này, nhiều người dân xứ Thanh xem đây là một địa chỉ thân thuộc, bởi con em nhiều gia đình đã theo học tại đây, trong đó có nhiều học viên là con em đồng bào DTTS. Sau khi tốt nghiệp, các em đã và đang tỏa đi làm việc tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, với mức lương khá và vị trí làm việc ổn định.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thăm hỏi, động viên sinh viên Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa |
Có được kết quả này, theo ban lãnh đạo nhà trường, từ năm 2007 đến nay, Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hoá luôn có mối liên hệ mật thiết với hơn 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để kết nối cho sinh viên thực hành ngay tại doanh nghiệp, liên kết để doanh nghiệp trở thành trường nghề thực hành thứ hai cho sinh viên.
Riêng năm 2019, Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hoá đã kết nối và đưa gần 900 sinh viên học nâng cao, thực tập, trải nghiệm và đi làm tại các doanh nghiệp với mức lương hỗ trợ của doanh nghiệp từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng. Trong đó, có 5 sinh viên làm việc tại Nhật Bản với mức lương 60 triệu đồng/tháng. Qua khảo sát trước khi thi tốt nghiệp có 85% sinh viên đã có địa chỉ tiếp nhận với mức lương 8 - 12 triệu đồng/tháng. Số còn lại đang cân nhắc lựa chọn địa điểm làm việc. Do số doanh nghiệp tuyển dụng rất lớn nên trong 3 tháng sau tốt nghiệp, 100% sinh viên ra trường đều có việc làm. Hiện nay, nhà trường đã ký kết với một số doanh nghiệp đặt hàng cho lao động sau tết ước đến 1.000 vị trí việc làm…
Được dạy nghề, có việc làm, thu nhập của đồng bào DTTS ở Thanh Hóa tăng lên rõ rệt |
Câu chuyện của Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hoá là một trong những ví dụ về sự đổi thay tích cực trong công tác tuyển sinh và liên kết đào tạo của Thanh Hóa. Kết thúc năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo mới cho trên 83.000 học sinh, vượt kế hoạch đề ra; công tác đào tạo nghề cho đối tượng đặc thù được duy trì, đảm bảo tiến độ, chất lượng đào tạo. Trong đó, 2 trường trung cấp nghề và 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp của Thanh Hóa đã tích cực tham gia đào tạo nghề cho đồng bào DTTS trên địa bàn 11 huyện miền núi; chủ yếu là các khóa dạy nghề về: Chăn nuôi, trồng trọt, các lớp thủ công mỹ nghệ… Song song với đó, tiến hành dạy ngoại ngữ cho thanh niên DTTS, tạo điều kiện để mỗi năm có vài nghìn lao động là người DTTS đi làm việc ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ả-rập Xê-út.
Thực tế cho thấy, chính sách đào tạo nghề đã phát huy vai trò to lớn trong việc giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế và đời sống của đồng bào DTTS ở Thanh Hóa. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 2,54%/năm, thu nhập hộ nghèo tăng khoảng 1,74 lần.
Với những cố gắng này, kết thúc năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã tạo việc làm mới cho trên 69.000 lao động, vượt kế hoạch đề ra. Trong đó: Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động là trên 10.000 người; đã có 3/5 huyện, thành phố được đưa ra khỏi danh sách bị tạm dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc; tổ chức thành công 31 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 4 phiên lưu động tại các huyện. Mức tiền lương bình quân của người lao động trong doanh nghiệp đã tăng từ 5,2% - 6,5% so với năm 2018. Đến hết tháng 11/2019, toàn tỉnh Thanh Hóa có 9.785 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, với 378.787 người tham gia và có 320.394 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.