Thanh Hóa: Xử phạt trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường gần 100 triệu đồng Thanh Hóa tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu và trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản |
Ô nhiễm môi trường kéo dài
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, Công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp Agri - Vina (Công ty Agri – Vina) được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất tại xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh để thực hiện Dự án Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao kết hợp trồng rừng sản xuất với tổng diện tích 371.788,2m2. Trong đó, 177.535,25m2 dùng để xây dựng các hạng mục công trình của dự án và 194.252,95m2 để trồng rừng sản xuất.
Hạng mục trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao có công suất 60.000 lợn thịt/năm. Chăn nuôi lợn công nghệ cao theo quy trình khép kín như sau: Lợn giống nhập từ Công ty TNHH Link Farm → nuôi lấy thịt → kiểm tra → xuất bán cho Công ty TNHH Link Farm.
Toàn cảnh trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường kéo dài. (Ảnh tư liệu - QH) |
Vào thời điểm giữa năm 2023, khi chưa hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường, hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường, doanh nghiệp này đã tiến hành nuôi thử nghiệm 700 con lợn dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân xã Tân Phúc và thị trấn Lang Chánh.
Theo đó, mùi hôi thối bốc ra từ trại lợn xông ra thẳng môi trường, nhất là sau 23 giờ đêm đến 7 giờ sáng, khiến người dân ở thôn Tân Thủy, Tân Lập, xã Tân Phúc và thị trấn Lang Chánh vô cùng bức xúc.
Tại thời điểm đó, trang trại đã xây dựng hoàn chỉnh công trình xử lý nước thải tập trung, công suất 650m3/ngày đêm; đã hoàn thành lắp dựng buồng xử lý mùi hôi sau các dãy chuồng nuôi, có phun nước dạng sương; đang cải tạo, khắc phục bạt bị rách từ bể biogas. Đồng thời, quá trình nuôi lợn trang trại chưa lắp dựng đầy đủ lưới chắn mùi hôi để xử lý, giảm thiểu mùi hôi sau các dãy chuồng nuôi.
Ngoài ra, một số vị trí bạt đã bị thủng tại bể biogas số 2 dẫn tới khí sinh học trong bể biogas bị phì ra ngoài gây mùi, ảnh hưởng đến nhiều người dân của xã Tân Phúc và thị trấn Lang Chánh. Chưa hết, trong quá trình hoạt động, chủ trang trại thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định như chưa lắp đặt đầy đủ giàn phun sương, sử dụng chế phẩm vi sinh hạn chế mùi hôi phía sau quạt hút của các chuồng nuôi.
Sự cố môi trường năm 2023 bắt nguồn từ các bể bioga bị thủng. (Ảnh tư liệu - QH) |
Căn cứ theo quy định của pháp luật, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã xử phạt Công ty Agri - Vina số tiền 70 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty Agri-Vina còn bị phạt 25 triệu đồng về hành vi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường không đúng thời hạn.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường từ trang trại lợn của Công ty Agri – Vina vẫn không được xử lý dứt điểm, tình trạng mùi hôi thối xốc vào nhà dân vẫn liên tục xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân xung quanh.
Đề xuất dừng hoạt động chăn nuôi để khắc phục ô nhiễm môi trường
Theo biên bản kiểm tra mới nhất vào ngày 28/5/2024, do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lang Chánh chủ trì, phối hợp cùng Công an huyện Lang Chánh, UBND xã Tân Phúc, UBND thị trấn Lang Chánh và đại diện Công ty Agri – Vina, tại thời điểm kiểm tra, trang trại lợn đang nuôi 25.000 con lợn trong 25 chuồng nuôi, đã đầu tư xây dựng 39 dãy chuồng, hệ thống xử lý nước thải (gốm 1 hố thu, máy ép tách phân, 3 hố bioga, 1 trạm xử lý hóa chất kết hợp vi sinh, 2 hồ sinh học kết hợp hồ sự cố). Trang trại đã hoàn thành lắp đặt bổ sung buồng xử lý mùi hôi sau các dãy chuồng, có bố trí phun nước dạng sương và tăng thời lượng phun men xử lý mùi.
Theo báo cáo, tổng lượng nước thải về hệ thống xử lý khoảng 300-400m3/ngày đêm, đến nay, nước thải bắt đầu chuyển sang bể bioga số 3, dự kiến 3 tháng mới có nước thải sang hệ thống xử lý, chưa phải vận hành hệ thống xử lý nước thải.
Khảo sát xung quanh khu vực trang trại cho thấy, có mùi hôi phát sinh từ khu ép tách phân; khu vực phía sau dây chuồng nuôi, dòng khí thoát ra ngoài có mùi hôi nặng đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc phát tán mùi hôi đến các khu dân cư.
Đề xuất tạm dừng hoạt động trang trại lợn để khắc phục ô nhiễm môi trường. (Ảnh tư liệu - QH) |
Tại buổi kiểm tra, đại diện của Công an huyện Lang Chánh khẳng định: Việc khắc phục phát tán mùi hôi trong khu dân cư từ hoạt động chăn nuôi của Công ty chưa có hiệu quả. Qua theo dõi, tuần tra ghi nhận vẫn còn mùi hôi từ hoạt động chăn nuôi và việc vận chuyển lợn qua các khu dân cư, đồng thời tiếp nhận nhiều ý kiến phản ánh bức xúc của nhân dân. Công an huyện cũng đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, nắm bắt dư luận trong nhân dân để xử lý thông tin, vận động nhân dân không khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự.
Còn đại diện UBND xã Tân Phúc cho hay, mùi hôi từ hoạt động chăn nuôi của trang trại đến nay vẫn còn phát sinh trong khu dân cư. UBND xã Tân Phúc cũng đã thường xuyên đối thoại, tuyên truyền cho nhân dân tuy nhiên, vẫn còn có nhiều ý kiến phản ánh của nhân dân khu vực. Do đó, đề nghị đơn vị dừng hoạt động chăn nuôi để khắc phục và có biện pháp xử lý triệt để mùi hôi.
Đồng quan điểm với xã Tân Phúc, ông Trần Anh Quang, Chủ tịch UBND thị trấn Lang Chánh cho biết, hiện nay các biện pháp khắc phục mùi hôi của Công ty chưa có hiệu quả, mùi hôi vẫn còn nồng nặc, phát tán rộng trong khu dân cư khu vực thị trấn và nhiều kiến ghị phản ánh của bà con nhân dân. Vì vậy yêu cầu công ty tạm dừng việc chăn nuôi chuyển dần lợn ra ngoài, khắc phục triệt mùi hôi mới tiếp tục hoạt động.
Căn cứ các hồ sơ và tình hình thực tế, đoàn kiểm tra huyện Lang Chánh khẳng định: Việc thực hiện các biện pháp xử lý, giảm thiểu mùi hôi của Trang trại chăn nuôi lợn của Công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp Agri - Vina đến nay là chưa triệt để.
Do đó, yêu cầu Công ty xuất bán lợn, không tái đàn và hướng đến dừng hẳn việc chăn nuôi để đánh giá lại hệ thống công trình bảo vệ môi trường và các giải pháp tăng cường để đảm báo khắc phục triệt để việc phát tán mùi hôi đến các khu dân cư.
Đoàn kiểm tra cũng đề nghị UBND xã Tân Phúc: Giám sát việc thực hiện các nội dung nêu trên đối với Công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp Agri - Vina, kịp thời phát hiện xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Viết Thắng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lang Chánh cho biết: Sau khi kết thúc đợt kiểm tra, phòng Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện hồ sơ để UBND huyện báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa.
“Thực tế ghi nhận thì do nhiều yếu tố phức tạp không lường trước nên dẫn đến những sự cố khó xử lý. Doanh nghiệp cũng phải chấp nhận xuất những con lợn đã lớn đi, không tái đàn, giảm tổng đàn hướng đến dừng hẳn việc nuôi để đánh giá, củng cố lại hệ thống công trình bảo vệ môi trường”, ông Thắng cho biết thêm.