Chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong chuyển đổi số Hải Phòng: Đẩy mạnh triển khai Đề án 06/CP phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp |
Thời gian qua, mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa áp dụng có hiệu quả. Cách làm này đã góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và hướng tới nông thôn mới thông minh hiện đại.
Chuyển đổi số giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Ảnh TTV |
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 252/KH-UBND ngày 20/10/2022 và các văn bản chỉ đạo làm căn cứ để các ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Theo đó, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đã phát triển hạ tầng, mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị có liên quan để tham mưu, thẩm định các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho thấy, hiện nay, xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, vượt so với chỉ tiêu đến năm 2025.
Toàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai xây dựng được 14 thôn thông minh thuộc các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số gồm các xã: Vân Sơn, huyện Triệu Sơn; Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa và Đông Khê, huyện Đông Sơn.
Xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa là một trong những xã điển hình thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Theo đó, để triển khai có hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, xã Thiệu Trung đã ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch về chuyển đổi số trên địa bàn và đề ra các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn để tập trung thực hiện. Trong đó, xã đã tập trung thực hiện xây dựng chính quyền số để góp phần định hướng, quản lý, hỗ trợ kinh tế số, xã hội số, hạ tầng số phát triển; nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu; đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm trong công tác chuyển đổi số.
Chuyển đổi số góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở các địa phương của tỉnh Thanh Hóa |
Bên cạnh đó, xã Thiệu Trung đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, tầm quan trọng của việc chuyển đổi số để người dân hiểu rõ, hưởng ứng thực hiện trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thôn, các hội nghị, các nền tảng mạng xã hội, như: Zalo, trang thông tin điện tử...
Còn tại xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xã lấy chuyển đổi số làm khâu đột phá. Theo đó, từ đầu năm 2022, xã Đông Văn đã đưa vào sử dụng hệ thống phòng họp không giấy kết nối trực tuyến với tất cả các nhà văn hóa thôn; 100% văn bản được xử lý trên môi trường mạng. Với mô hình "Lễ tân hành chính", người dân Đông Văn có thể đăng ký hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến và nhận trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích; việc giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 đạt 100%.
Là 1 trong 3 xã được lựa chọn thí điểm thực hiện mô hình chuyển đổi số cấp xã từ cuối năm 2020, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, đến nay xã Hà Sơn, huyện Hà Trung đã đạt được những kết quả nhất định.
Từ kết quả của chuyển đổi số đã tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Nhận thức đây là mô hình hay, phù hợp xu thế tất yếu của thời đại 4.0, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của cấp ủy, chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… xã Hà Sơn đã bắt tay vào thực hiện, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chuyển đổi số.
Chuyển đổi số giúp người dân áp dụng khoa học vào sản xuất |
Theo đó, xã Hà Sơn đã nâng cấp hệ thống hạ tầng mạng, tăng cường việc giao tiếp với người dân thông qua các nhóm Zalo, lắp đặt hệ thống camera an ninh, hệ thống truyền hình trực tuyến tại nhà văn hóa thôn. Nhờ có trang thông tin điện tử và các nhóm Zalo chung trên điện thoại mà thông tin chỉ đạo của xã được các thôn cập nhật nhanh chóng, chính xác.
Sau đó, thôn sẽ thông báo đến bà con nhân dân qua nhóm Zalo, hệ thống loa truyền thanh để bà con nắm bắt và thực hiện kịp thời các chủ trương, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.
Hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh trong tương lai, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn đã có nhiều nỗ lực thực hiện chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực từ cấp xã đến cấp thôn. Xã đã thực hiện 3 trụ cột trong chuyển đổi số, gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đến thời điểm hiện tại, xã Vân Sơn có 100% cán bộ, công chức xã đã được cấp tài khoản và sử dụng phần mềm xử lý công việc. Hiện 100% văn bản đến và đi của xã đều được xử lý trên môi trường mạng. Tất cả các thủ tục hành chính đủ điều kiện đều được giải quyết trực tuyến ở mức độ 4.
Hiện các thủ tục hành chính được niêm yết theo quy định tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, được công khai trên Trang thông tin điện tử “vanson.trieuson. thanhhoa.gov.vn”. Từ đó, đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền xã, góp phần giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính và giao dịch của các tổ chức, công dân, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Trong lãnh đạo điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của địa phương, xã Vân Sơn đã chọn ứng dụng Zalo để chỉ đạo điều hành từ cấp ủy đến ủy ban và cán bộ thôn. Mỗi nhóm Zalo có hàng chục thành viên tương tác và triển khai các công việc, như: Nhóm cán bộ, công chức 36 thành viên, Nhóm bí thư chi bộ và trưởng thôn 33 thành viên, Ban chỉ đạo chuyển đổi số 75 thành viên, Nhóm an ninh - trật tự 31 thành viên...
Trong lĩnh vực kinh tế, việc chuyển đổi số cũng có những bước chuyển tích cực. Xã Vân Sơn định hướng đưa công nghệ thông tin, các tiến bộ khoa học để áp dụng xây dựng quy trình sản xuất minh bạch, quản lý từ khâu nhập khẩu giống, sản xuất đến bán hàng.
Điển hình như trang trại nuôi lợn của ông Lê Duy Thanh, ở thôn 3 với quy mô 5.000 con, hiện được lắp hệ thống cảm biến tự động điều chỉnh nhiệt độ bằng điện thoại thông minh. Trang trại cũng được lắp đặt hệ thống cung cấp thức ăn tự động đến từng ô nuôi để cho lợn ăn theo giờ đã định. Hệ thống camera theo dõi đàn vật nuôi được lắp đặt đến từng ô chuồng giúp chủ trang trại điều chỉnh lượng thức ăn và nước uống phù hợp.
Chuyển đổi số giúp các hộ dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử |
Đánh giá về hiệu quả của chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh hiện đại ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá cho rằng: Sau các nấc thang nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu sẽ là nông thôn mới thông minh. Hiện Thanh Hóa đã có những bước đi đầu tiên để hưởng ứng và đã đạt được những kết quả ban đầu. Đây là cơ sở quan trọng, là tiền đề để tạo sự lan tỏa, nền tảng cho thực hiện chương trình trong giai đoạn tới.
Nói về chuyển đổi số, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay.
Với tinh thần thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số và làm sao để người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia, đồng hành vào quá trình chuyển đổi số.