Đồng Nai: Chương trình OCOP đạt kết quả tích cực sau 4 năm triển khai thực hiện Hải Phòng: Triển khai hiệu quả chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' |
Đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP
Sau 5 năm triển khai Chương trình OCOP, với sự nỗ lực của các địa phương, các chủ thể, đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa có 445 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có thêm 153 sản phẩm OCOP. Với kết quả này, tỉnh Thanh Hóa chỉ xếp sau thành phố Hà Nội và vươn lên đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.
Sản phẩm OCOP của huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. |
Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sau 5 năm, 27/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều đã có sản phẩm OCOP. Chương trình OCOP đã ngày càng đi vào chiều sâu, với sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương, thành phần kinh tế tư nhân, tập thể, hộ gia đình…Nhận thấy lợi ích chương trình mang lại, nhiều chủ thể sản xuất đã chủ động đăng ký tham gia.
“Trong số 445 sản phẩm OCOP, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có trên 30 sản phẩm OCOP xuất khẩu đến 32 nước như: xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật, Châu Âu, Úc, Nga, Đức, Pháp, Trung Quốc, các nước khu vực Asean, Tây Ba Nha, các nước Trung Đông…Đây là minh chứng cho những nỗ lực trong việc triển khai Chương trình OCOP ở Thanh Hóa” – ông Bùi Công Anh nhấn mạnh.
Để Chương trình OCOP đạt hiệu quả cao, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các chủ thể tham gia. Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP thì sẽ được hỗ trợ kinh phí là 75 triệu đồng. Đây là số kinh phí để giúp các chủ thể hoàn thiện các công tác như: Nhãn mác, bao bì, tem, video quảng cáo…
Bên cạnh đó, trong năm 5 qua, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn cho khoảng gần 10 nghìn lượt lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, đoàn thể các cấp, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất; hỗ trợ các chủ thể đưa sản phẩm OCOP tham gia các sự kiện tổ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm OCOP của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. |
Có thể thấy, hiệu quả từ Chương trình OCOP không chỉ góp phần giúp các nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm phong phú trên thị trường; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động mà còn góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới. Với sự nỗ lực rất lớn của các chủ thể, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng, đến nay, Thanh Hóa vươn lên đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.
Đặt mục tiêu có thêm 120 sản phẩm OCOP
Có thể nói, Chương trình OCOP ở Thanh Hóa đang tạo ra “sân chơi” cho các thương hiệu Việt. Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất hướng tới những sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phù hợp để cạnh tranh tốt trên thị trường hội nhập ngày càng sâu rộng.
Theo ông Bùi Công Anh, Thanh Hóa là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm lợi thế, gần 200 làng nghề truyền thống và hơn 600 hợp tác xã nông nghiệp… Tỉnh Thanh Hóa xác định, OCOP là bước đi quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và đóng vai trò trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân.
Sản phẩm OCOP của huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Công Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Với những kết quả đã đạt được, năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu có thêm 120 sản phẩm OCOP. Để đạt được mục tiêu năm 2024, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị các huyện sẽ phải đăng ký số lượng sản phẩm OCOP. Trên cơ sở số liệu từ các huyện báo cáo về, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ có văn bản tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho từng huyện".
Thời gian tới, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cấp thôn, xã, huyện và các chủ thể, các hộ dân để triển khai thực hiện sản xuất sản phẩm; tiếp tục đẩy mạnh các hội nghị kết nối cung cầu, các hội chợ; đẩy mạnh các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử, nhằm đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh ra các “sân chơi” lớn.