Phòng, chống cháy nổ tại doanh nghiệp: Gắn ý thức với quyền lợi PC Hà Tĩnh: Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống cháy nổ |
Nguy cơ cháy nổ từ các thiết bị điện mùa nắng nóng
Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh này xảy ra 57 vụ cháy và sự cố thiết bị điện, làm 1 người chết và thiệt hại lớn về tài sản ước tính hơn 500 triệu đồng. Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân chính xảy ra các vụ cháy là do ý thức chủ quan, lơ là, bất cẩn của người dân trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn điện. Trong đó, có hơn 60% vụ cháy xảy ra là do sự cố thiết bị điện.
Thực tế cho thấy, hàng năm vào thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân để làm mát, làm lạnh và phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao. Với những thiết bị công suất lớn, tiêu thụ điện cao như: điều hòa, quạt máy, các thiết bị điện hoặc sản phẩm sử dụng điện kém an toàn, cùng những bất cẩn trong quá trình sử dụng thiết bị điện của người sử dụng đã khiến cho nguy cơ dẫn đến các sự cố quá tải, chập điện và gây ra cháy, nổ.
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền, hướng dẫn cho cơ sở kinh doanh các kiến thức an toàn phòng cháy chữa cháy khi sử dụng thiết bị điện |
Thượng tá Lê Như Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ tại các khu vực dân cư cũng như các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh thì các nguyên nhân từ sự cố điện chiếm hơn 60% và các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự cố này do các thiết bị điện kém chất lượng cũng như việc lắp đặt, sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn mà không tính toán về hệ thống dây dẫn cũng như các thiết bị bảo vệ, trong khi sử dụng các thiết bị điện không thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị định kỳ.
Đặc biệt, trong mùa hè nắng nóng, khi nền nhiệt tăng cao, nhiều hộ gia đình, cơ sở kinh doanh sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn trong cùng một thời điểm để phục vụ đời sống, sinh hoạt cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến sự cố cháy nổ các thiết bị điện.
Phòng, chống cháy nổ là trách nhiệm của toàn dân
Trước thực tế đáng lo ngại trên, hơn bao giờ hết, công tác phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ ngay từ ban đầu, từ chính các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ dân cư là hết sức quan trọng.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy, nổ xảy ra trong mùa nắng nóng, thời gian qua, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định và triển khai lắp đặt hệ thống phòng, chống cháy nổ, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an từ tỉnh Thanh Hóa đến cơ sở đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh và đến tận nhà dân, khu dân cư, tổ dân phố để khuyến cáo, nhắc nhở, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an từ tỉnh Thanh Hóa còn chú trọng xây dựng, củng cố và kiện toàn các lực lượng phòng cháy chữa cháy ở cơ sở; xây dựng các mô hình "Tổ liên gia an toàn về phòng cháy chữa cháy" và “Điểm chữa cháy công cộng” tại địa bàn khu dân cư; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và diễn tập các phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho các lực lượng phòng cháy chữa cháy ở cơ sở. Thông qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng và các biện pháp phòng, chống cháy nổ cho các cấp, các ngành và toàn dân, nhất là lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở.
Một vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vào cuối tháng 5/2023 khiến 2 người tử vong |
Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nên thực hiện thi công phần điện đúng theo thiết kế thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy. Mỗi gia đình phải lắp thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện chung, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Hàng hóa dễ cháy không được để gần bóng điện, ổ cắm... bảng điện phải đặt cách xa vật dễ cháy tối thiểu là 0,5m. Không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn. Không phơi, treo quần áo, khăn, mũ, tranh ảnh... trên các dây điện và bảng điện, không cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm.
Những thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà cần phải được kiểm tra thường xuyên để sửa chữa hoặc thay thế khi cũ hỏng. Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện nữa hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện, khi sử dụng bàn là, bếp điện... phải có người trông coi, không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết để bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ.
Công tác phòng cháy chữa cháy không phải của riêng ai, mà là trách nhiệm và nhiệm vụ của toàn dân. Cùng với lực lượng Công an, mỗi người dân, chính quyền địa phương, mỗi cơ quan, đoàn thể cần chủ động phòng ngừa và tham gia phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy, coi đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người. Có như vậy, công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy mới thực sự phát huy hiệu quả.