Sau khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ ngày đó đến nay, đất nước ta đã trải qua rất nhiều những mùa Thu tháng 8 - đau thương có, oai hùng có. Để đến hôm nay, Việt Nam đã được ghi danh trên bản đồ thế giới với những thành tích về: Thể thao, văn hóa, kinh tế, chính trị… Trong mỗi thành tích đạt được, đều có sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng và Nhà nước; sự nỗ lực, đoàn kết phấn đấu của người dân trong cả nước. Từ một đất nước nhỏ bé, nay cái tên Việt Nam đã được nhiều bạn bè quốc tế biết đến với sự cảm phục, trân trọng.
Người dân hạnh phúc khi được sống, trên đất nước tự do, độc lập và bình yên |
Tháng 8 năm nay, ghi dấu những âu lo không nhỏ, khi cùng với Thế giới, Việt Nam tiếp tục bước vào cuộc chiến chống COVID-19 mới với những diễn biến phức tạp, khó lường. Từ ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Đà Nẵng (ngày 24/7/2020), đến nay trên cả nước liên tục phát hiện ra nhiều ca lây nhiễm mới ở nhiều tỉnh, thành phố, số bệnh nhân tử vong cũng tăng lên từng ngày. Phòng, chống COVID-19 trở thành vấn đề nóng tại các cuộc họp từ Trung ương đến các địa phương; là mối quan tâm hàng đầu của các cấp, các ngành và mỗi người dân trong tình hình bệnh dịch ngày càng khó kiểm soát.
Nếu như các tỉnh đồng bằng như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… đang căng mình xử lý các vấn đề: Xét nghiệm, cách ly, điều trị, truy tìm dấu vết nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh COVID-19; thì tại các tỉnh miền núi phía Bắc, giông lốc, mưa lũ đang hoành hành, gây thiệt hại không nhỏ về hoa màu, nhà cửa, các công trình dân sinh… Nhiều đoạn đường đã bị lũ cuốn trôi, nhiều thửa ruộng đang chờ ngày thu hoạch bỗng mất trắng sau một đêm, có những gia đình tối còn quây quần bên bếp lửa, sáng ra đã vợ mất chồng, con mất cha vì bị lũ cuốn…
Hơn lúc nào hết, lúc này, người Việt Nam từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa… cần chung sức, đồng lòng để vượt qua thiên tai, dịch bệnh. Thực tế đã cho thấy, trong mọi trường hợp, nội lực vẫn là yếu tố quan trọng nhất để chiến thắng tai ương.
Tại cuộc chiến chống COVID-19 lần thứ nhất, chúng ta đã khống chế dịch bệnh rất tốt, không để xảy ra thương vong. Đó là nhờ những chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ, sự tận tâm của đội ngũ y bác sỹ; tinh thần cống hiến không kể ngày đêm của các lực lượng bộ đội, biên phòng, công an. Hơn tất cả, đó chính là sự hưởng ứng, quyết tâm, chia sẻ của nhiều triệu người dân Việt Nam trước các Chỉ thị phục vụ phòng, chống COVID-19 của Chính phủ. Hạnh phúc riêng tư có thể khép lại, lợi ích cá nhân tạm gác sang một bên… tất cả vì tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. 99 ngày Việt Nam không có lây nhiễm trong cộng đồng – một kết quả thật đáng tự hào.
Với cuộc chiến chống lại thiên tai và dịch bệnh COVID-19 lần này, mong rằng tinh thần trên tiếp tục được gìn giữ, phát huy. Người trong vùng dịch hạn chế di chuyển; người tiếp xúc với các mối nguy cơ cần tuân thủ các yêu cầu xét nghiệm, cách ly; người ở vùng chưa có dịch bệnh tích cực làm việc nhưng không quên các biện pháp phòng, chống COVID-19. Người người ý thức, nhà nhà tuân thủ… cuộc chiến chống COVID-19 mới sớm hy vọng có hồi kết thúc.
Tại các tỉnh biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa đang đúng mùa mưa lũ, đồng bào cần nâng cao ý thức trong việc gia cố lại nhà cửa, tránh xa những nơi được dự báo là không an toàn. Vào rừng, lên nương, qua lại gần biên giới cần lưu ý đề phòng, không tiếp tay cho những đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. Mưa lũ có thể cuốn đi nhà cửa, hoa màu nhưng nếu giữ được tính mạng, giữ được sự bình yên cho bản làng… thì mọi thứ đều có thể làm lại.
Tháng 8 cũng là lúc mùa Thu đang về. Trong cái dịu mát của đất trời, cần lắm sự bình tĩnh, đồng lòng của mỗi người dân trong việc thực hiện các quy định chung của Chính phủ. Có đoàn kết, đồng lòng thì mới mong thực hiện được mục tiêu kép “Vừa phòng, chống COVID-19 vừa phát triển kinh tế”, đồng thời hạn chế thấp nhất những thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra.