9 tháng, Việt Nam nhập khẩu sắt thép từ những thị trường nào? 8,49 tỷ USD được chi để nhập khẩu sắt thép sau 10 tháng đầu năm 2023 |
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 01/2024, cả nước đã nhập khẩu 1,61 tỷ USD sắt thép các loại và sản phẩm, tăng 20,1% tương ứng tăng 268 triệu USD so với tháng trước.
So với cùng kỳ năm 2023, nhập khẩu nhóm hàng này đã tăng 76,6%, tương ứng tăng 696 triệu USD.
Trong đó, riêng lượng sắt thép các loại nhập khẩu đạt 1,49 triệu tấn sắt thép, tương đương 1,06 tỷ USD, giá trung bình 711,9 USD/tấn, tăng 27,3% về lượng, tăng 22,3% về kim ngạch nhưng giảm 3,9% về giá so với tháng 12/2023; còn so với tháng 1/2023 thì tăng 151,2% về khối lượng, tăng 101,6% về kim ngạch nhưng giảm 19,7% về giá.
Tháng 1/2024, nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc tăng mạnh |
Trung Quốc đứng đầu về thị trường cung cấp sắt thép cho Việt Nam, chiếm 67,6% trong tổng lượng và chiếm 60% trong tổng kim ngạch, đạt gần 1,01 triệu tấn, tương đương gần 635,66 triệu USD, giá trung bình 631,5 USD/tấn, tăng 25,7% về lượng, tăng 24% về kim ngạch nhưng giảm 1,4% về giá so với tháng 12/2023; so với tháng 1/2023 thì tăng 376,4% về lượng, tăng 247% về kim ngạch nhưng giảm 27,2% về giá.
Tiếp sau đó là thị trường Indonesia chiếm trên 4,4% trong tổng lượng và chiếm 9,7% trong tổng kim ngạch sắt thép nhập khẩu của cả nước, đạt 65.140 tấn, tương đương gần 102,63 triệu USD, giá trung bình 1.575 USD/tấn, tăng 14,3% về lượng, tăng 7,7% về kim ngạch nhưng giảm 5,8% về giá so với tháng 12/2023; so với tháng 1/2023 thì giảm 19,5% về lượng, giảm 7,5% về kim ngạch nhưng tăng 14,8% về giá.
Thị trường Nhật Bản đứng thứ 3 đạt 135.841 tấn, tương đương 94,44 triệu USD, giá 695,2 USD/tấn, tăng 7% về lượng, tăng 2% về kim ngạch nhưng giảm 4,6% về giá so với tháng 12/2023; tăng 28,5% về lượng, tăng 23,2% kim ngạch nhưng giảm 4% về giá so với tháng 1/2023, chiếm 9% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Nhập khẩu từ các thị trường FTA RCEP 1,31 triệu tấn, tương đương 934,22 triệu USD, tăng 20,8% về lượng, tăng 17% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 01/2024, xuất khẩu thép của Việt Nam tăng tháng thứ 4 liên tiếp, đạt hơn 1,16 triệu tấn với trị giá hơn 822 triệu USD, tăng 7,1% về lượng và 7,4% về trị giá so với tháng trước; tăng 72,6% về lượng và 80,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép trong năm 2024 dự kiến sẽ tăng 6,4% lên gần 21,6 triệu tấn. Trong số đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm dự báo tăng 12% lên gần 13 triệu tấn.
Ngành sắt thép của Việt Nam được dự báo là sẽ phục hồi có những tăng trưởng, kéo dài sự phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Nhu cầu thép của thế giới được dự báo hồi phục mạnh trở lại trong năm 2024, tăng 1,9%, đạt 1,8 tỷ tấn trong năm 2024, do đó sản xuất thép của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, dự kiến tăng khoảng 10% trong năm 2024. Sản xuất thép thành phẩm trong hai năm 2024 và 2025 ước đạt khoảng 28 triệu-30 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước khoảng 22 triệu-23 triệu tấn.