Thủ tướng yêu cầu tạo thuận lợi thực hiện thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa Sôi động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tại Cao Bằng |
Xuất nhập khẩu duy trì đà tăng, xuất siêu ở mức cao
Thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 10 ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu đã tiếp đà tăng liên tục trong những tháng gần đây.
Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 7,1%; nhập khẩu giảm 12,3%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 24,61 tỷ USD.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2023 ước đạt 32,31 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước.
Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 77,09 tỷ USD, giảm 4,1%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 214,19 tỷ USD, giảm 8,1%, chiếm 73,5%.
Trong 10 tháng năm 2023 có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,2%).
Về các mặt hàng, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thuỷ sản đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu giảm sâu trong giai đoạn nửa đầu năm (-27%), từ tháng 6, tăng trưởng âm thu hẹp dần, riêng trong tháng 9, doanh số xuất khẩu chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ. Do vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý III chỉ thấp hơn 12% so với quý III/2022 – cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý đầu năm.
Xuất khẩu thuỷ sản đang dần khởi sắc |
Nhóm 3 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam gồm tôm, cá tra, cá ngừ đều có tín hiệu tích cực hơn trong quý III, với kim ngạch xuất khẩu cao nhất và mức tăng trưởng âm thấp nhất từ đầu năm.
Trong các khối thị trường lớn, Trung Đông được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp Việt trong 2 năm gần đây, trước những biến động chiến tranh, lạm phát, khủng hoảng giá năng lượng. Trong quý III, riêng khối thị trường này có được mức tăng trưởng dương về nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, với mức 2% so với cùng kỳ năm 2022, và lũy kế 9 tháng năm 2023 cũng có mức giảm thấp nhất, giảm 8%.
Rau quả cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu khả quan thời gian qua. Thống kê của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 10 (1-15/10), xuất khẩu rau quả thu về 349,52 triệu USD, qua đó nâng kim ngạch từ đầu năm đến 15/10 lên con số 4,56 tỷ USD, tăng trưởng tới 75,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm gần 2 tỷ USD. Sự tăng trưởng của mặt hàng rau quả có sự đóng góp lớn từ việc phục hồi ở nhiều thị trường chủ lực, đặc biệt là Trung Quốc.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, những tháng còn lại của năm 2023, trong khi sầu riêng của các nước khác ở Đông Nam Á đã hết vụ, Việt Nam vẫn còn vùng sầu riêng ở Tây Nguyên chưa khai thác. Đây sẽ là cơ hội lớn để mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của ngành rau quả tiếp tục tăng kim ngạch trong thời gian tới.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2023 ước đạt 29,31 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 95,08 tỷ USD, giảm 10,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 171,59 tỷ USD, giảm 13,3%.
Trong 10 tháng năm 2023 có 41 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 03 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 43,4%).
Cán cân thương mại hàng hoá tháng 10 ước tính xuất siêu 3 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 24,61 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,56 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,99 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,6 tỷ USD.
Đa dạng giải pháp thúc đẩy xuất khẩu
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc bao gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.
Theo Quy hoạch đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc có 26 cửa khẩu, trong đó có 14 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu song phương (bao gồm 20 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương) và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt.
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và qua Trung Quốc sang nước thứ ba theo hướng chính quy, hiệu quả, bền vững. Từ đó góp phần thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc nói chung và thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc nói riêng.
Về phía Bộ Công Thương, trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hoá, Bộ Công Thương đang nỗ lực đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.