Nhiều “bẫy” online
Thực hiện chủ trương chung, hiện các siêu thị, các cơ sở kinh doanh như cửa hàng, quán ăn… đều ngưng phục vụ tại chỗ và đẩy mạnh tiếp thị bán hàng online qua kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo… Chỉ với vài thao tác trên máy tính hay điện thoại, khách hàng có thể mua bất cứ mặt hàng nào. Tuy nhiên, với hình thức mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng không thể nhìn và đánh giá trực tiếp chất lượng sản phẩm; bên cạnh đó là nguy cơ rủi ro khi khách hàng thanh toán trực tuyến, cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường internet.
Không ít trường hợp người tiêu dùng đã nhận được hàng hóa không giống quảng cáo, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng; hoặc bị mất tiền từ tài khoản do lừa đảo.
Cần cảnh giác với những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ |
Để tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng thị trường cạnh tranh minh bạch, giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng, thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử kiểm tra, rà soát việc niêm yết giá nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm, gian hàng vi phạm và các hành vi gian lận như nâng giá bán, nâng giá vận chuyển… Đồng thời, thông báo công khai để người bán, người mua được biết về các biện pháp xử lý và chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm. Tính đến ngày 30/3/2020, các sàn đã xử lý tổng cộng khoảng gần 16.200 gian hàng và khoảng gần 32.880 sản phẩm vi phạm, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, gây bất ổn định thị trường.
Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, từ ngày 31/1 đến 2/4, lực lượng này đã kiểm tra, xử lý trên 7.500 cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến hơn 3 tỷ đồng. Điều này cho thấy mức độ phức tạp của công tác quản lý thị trường nói chung và thị trường online nói riêng.
Nâng cao cảnh giác
Theo các ngành chức năng, công tác tiếp cận, giám sát loại hình kinh doanh trực tuyến không hề đơn giản, khó khăn hơn nhiều so với kinh doanh truyền thống. Nhiều đối tượng mua tên miền và đặt máy chủ tại nước ngoài, thanh toán thông qua thẻ tín dụng mà không thông qua công ty cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam, cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay thông tin liên lạc nên việc ngăn chặn và xử phạt gặp rất nhiều rào cản.
Bên cạnh đó, những khách hàng mua sắm online phần lớn không chú ý việc lấy hóa đơn, sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến đa dạng… gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng.
Để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường internet, cần chặn từ “gốc”, đó là người tiêu dùng ngừng “tiếp tay” cho các đối tượng vi phạm.
Theo đó, người tiêu dùng cần mua hàng ở những trang web uy tín, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng và đã được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như: Địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế... Cần cảnh giác với những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo các dịch vụ, sản phẩm với giá thấp hoặc khuyến mãi lớn. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cẩn trọng với những yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng...) từ những trang web lạ để tránh bị đánh cắp thông tin tài chính. nNgười tiêu dùng gặp các phiền toái về chất lượng sản phẩm khi mua hàng trực tuyến cần phản ánh đến các cơ quan chức năng như: Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết.