Thị trường tiềm năng với quy mô rộng lớn
EU là 1 thị trường rộng lớn, có nhu cầu ổn định về rau, quả tươi. Đặc biệt, người dân EU có nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại quả mọng, bơ, dưa hấu, khoai lang. Đây cũng là cơ hội cho các sản phẩm như bơ, dưa hấu, khoai lang của Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU. Tuy nhiên, các yêu cầu của EU đặc biệt là Bắc Âu khá khắt khe.
Nhiều loại trái cây thông thường như cam, quýt cũng có cơ hội xuất khẩu sang EU (Ảnh Cấn Dũng) |
Ngoài ra, với dân số hơn 500 triệu người tiêu dùng, EU chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu này. Khi EVFTA được thông qua sẽ mở ra cơ hội lớn cho rau, quả Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, quy mô thị trường rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, họ thường tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy trong các khu vực chiến lược để có thể cung cấp trái cây và rau quả cho người tiêu dùng bất kỳ lúc nào trong năm.
“Mặc dù, nhu cầu lớn và tương đối ổn định, nhưng nhu cầu ngắn hạn và giá cả thay đổi thường xuyên. Không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm thấy thị trường có lợi nhuận cao nhất trong khu vực vốn đã cạnh tranh cao này” – đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan nhấn mạnh và cho rằng, muốn hàng hóa thâm nhập vào thị trường EU, doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường hoặc ít nhất là cập nhật thị trường thường xuyên từ các nước EU, cũng như ngoài EU, sử dụng các nguồn tin tức trực tuyến như: Freshplaza, Fruitnet, Frutrop và Fresh Fruit Portal.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên thiết lập sản xuất nông nghiệp, hoặc làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất, bởi người tiêu dùng ở EU thích mua trực tiếp từ những người trồng hơn.
Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cũng lưu ý, giá trị sản xuất trái cây, rau, quả của EU chiếm khoảng 14% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Tây Ban Nha và Ý là những nhà sản xuất rau, quả hàng đầu ở EU, với chất lượng ổn định và được sản xuất trong nhà kính. Tuy nhiên, xu hướng sản xuất dài hạn cho các loại trái cây này có dấu hiệu giảm sút, “đình trệ”.
“Đây chính là cơ hội cho các nhà cung cấp nước ngoài thâm nhập vào thị trường EU với các loại trái cây thông thườnh như cam, quýt, mận. Vì vậy, doanh nghiệp Việt khi xem xét khả năng bổ sung cho sản xuất EU, cần cập nhật sự phát triển về sản xuất rau, quả ở EU. Đặc biệt, luôn cập nhật sự phát triển công nghệ và sản xuất ở Tây Ban Nha”- Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan lưu ý.
Tận dụng cơ hội từ rau, quả trái mùa
Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU. Điều này sẽ là một thế mạnh cho các nhà xuất khẩu từ các quốc gia có khí hậu phù hợp. Hiện nay, một số quốc gia tận dụng lợi thế về các loại trái cây nhiệt đới, đã tăng quy mô sản xuất, như: Peru, Nam Phi, Ma-rốc, Ai Cập, Ấn Độ, Mexico, Guatemala.
Chẳng hạn như: Peru và Nam Phi là những nhà xuất khẩu có thế mạnh về hoa quả trái mùa với quy mô sản xuất lớn. Morocco và Ai Cập có lợi thế gần với EU và cạnh tranh về giá. Trong đó, Morocco là nhà cung cấp rau quan trọng nhất cho châu Âu. Ngoài ra, Ấn Độ cũng tăng xuất khẩu sang EU chủ yếu bằng nho. Hay Mexico cũng nỗ lực tăng xuất khẩu bơ sang EU để ít phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, một nước cũng đáng lưu tâm đó là Guatemala mặc dù xuất khẩu sang EU nhỏ hơn so với các nước trên, nhưng nhờ thỏa thuận thương mại với EU, năm 2018, Guatemal đã xuất khẩu hơn 134% vào năm 2018, chủ yếu xuất khẩu chuối kết hợp với các sản phẩm như bơ, quả đậu và chanh.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, hiện nay châu Âu nhập khẩu khối lượng lớn các loại trái cây nhiệt đới, các công ty lớn có thể tận dụng nhu cầu này để cung cấp cho thị trường châu Âu. Đối với công ty nhỏ, việc thâm nhập vào thị trường này sẽ khó khăn hơn do các tiếu chuẩn cao và sự thống trị của các siêu thị lớn, đặc biệt là Bắc Âu.
“Để có cơ hội ở thị trường châu Âu, doanh nghiệp phải có đủ khả năng đáp ứng về khối lượng và sự cạnh tranh” – Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho hay. Riêng đối với doanh nghiệp lần đầu tiên xuất khẩu sang châu Âu, phải so sánh với những nhà xuất khẩu đã thành công ở các quốc gia và xem xét lại chính năng lực thương mại của mình để có những hướng đi tốt nhất.
Tuy nhiên, cần lưu ý, những trái cây “mới lạ” hoặc hữu cơ không thể cạnh tranh về số lượng, mà có thể tận dụng cơ hội từ những hoa quả trái mùa.
Một vấn đề khác cần quan tâm đó là các doanh nghiệp Việt Nam nên mở tài khoản ngân hàng bằng Euro, chỉ ký kết hợp đồng cung cấp với các đối tác tin cậy và tôn trọng các thỏa thuận đã ký kết.