Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng ngành hàng không Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU: Cơ hội mở rộng chuỗi cung ứng với các đối tác châu Âu |
Chia sẻ tại Diễn đàn Việt Nam - EU trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiều 14/9, ông Đặng Quốc Thắng - Giám đốc sản xuất ngành dệt thoi Decathlon Việt Nam - cho biết: Trong 2 năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu và các ngành sản xuất, dẫn tới sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng. Cùng với đó, sự bất ổn của tình hình chính trị thế giới đã tạo ra tác động kép lên nền kinh tế toàn cầu khi lạm phát tăng nhanh và sụt giảm về nhu cầu tạo ra lượng hàng tồn kho lớn. Hệ quả của tác động đó là sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của khách hàng, ở đó khách hàng ngày càng chú ý hơn đến giá cả, vòng đời, độ bền của sản phẩm cũng như nguồn gốc của sản phẩm. Từ đó dẫn tới sự chuyển đổi trong chiến lược, cụ thể là chuyển dịch chuỗi cung ứng và mua hàng của các nhãn hàng.
Không nằm ngoài xu thế chung, Decathlon cũng gặp nhiều khó khăn. Dự báo những khó khăn này sẽ vẫn còn tiếp tục trong năm 2024. Tuy vậy, mặt hàng thể thao vẫn là một nhu cầu tất yếu khi sau dịch Covid-19, nhiều người chú ý hơn đến chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội để ngành thời trang và thiết bị thể thao sẽ phát triển tích cực trong trung, dài hạn.
Ông Đặng Quốc Thắng - Giám đốc sản xuất ngành dệt thoi Decathlon Việt Nam chia sẻ tại diễn đãn |
Mặc dù nhiều khó khăn, song theo ông Thắng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi và tìm hướng đi mới.
Đánh giá về thị trường hàng thời trang và thiết bị thể thao Việt Nam, ông Thắng cho rằng, hiện nay ngành thời trang và thiết bị thể thao của Việt Nam đang phải cạnh tranh rất lớn với Bangladesh. Do đó, để cạnh tranh được với quốc gia khác, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý tới 5 yếu tố.
Theo đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất tinh gọn, tối ưu quy trình và giảm chi phí sản xuất, xây dựng văn hóa cải tiến liên tục.
"Trong 1 buổi làm việc với khách hàng Trung Quốc, nhiều nhà mua hàng cho biết, năm 2024 giá thành các sản phẩm sẽ giảm khoảng 10%. Do đó nếu doanh nghiệp không sản xuất tinh gọn, giảm giá thành sản phẩm thì doanh nghiệp sẽ rất khó cạnh tranh”, ông Thắng thông tin.
Song song đó, doanh nghiệp phải đẩy mạnh sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời...), xây dựng lộ trình ngừng sử dụng than đá. “Nếu nhà máy nào dùng than đá, Decathlon sẽ không hợp tác. Và nếu muốn tham gia, phải vào chuỗi cung ứng của Decathlon thì phải có lộ trình, ít nhất là sau năm 2025 sẽ phải chuyển đổi và loại bỏ hoàn toàn năng lượng hóa thạch”, ông Thắng cho biết.
Cùng với đó, tăng cường tự chủ trong sản xuất. Trước đây phần lớn các nhà máy của Việt Nam chỉ làm gia công, song thực tế nếu doanh nghiệp có khả năng nghiên cứu mẫu và sản xuất thì các nhà mua hàng cũng rất quan tâm. Đồng thời nghiên cứu và từng bước đầu tư tự động hóa, số hóa các quy trình thiết kế, báo giá, quản lí sản xuất hướng tới mô hình nhà máy tiên tiến và tăng tính tự chủ, ra quyết định.
Ngoài ra, để tăng tính cạnh trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp phải thích ứng với đơn hàng nhỏ và thời gian giao hàng ngắn hơn. Và một tiêu chí quan trọng nữa là duy trì chế độ để giữ và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng để chuẩn bị giai đoạn hồi phục, tăng tốc.
Cũng theo ông Thắng, Decathlon luôn mong muốn tìm kiếm các nhà sản xuất, đối tác tin cậy và có tính tự chủ cao. Trong quy trình lựa chọn nhà cung cấp, Decathlon sẽ ưu tiên các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về trách nhiệm với người lao động và cộng đồng; Trách nhiệm doanh nghiệp với môi trường; Đảm bảo các yếu tố về giá cạnh tranh, thời gian giao hàng nhanh và chất lượng tốt. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đủ năng lực về sức khỏe tài chính.
“Chúng tôi chú trọng rất cao đến trách nhiệm của nhà cung cấp với người lao động, cộng động và môi trường. Đó là các yêu tố tiên quyết và không khoan nhượng khi chúng tôi lựa chọn đối tác hợp tác”, ông Thắng khẳng định.
Decathlon là tập đoàn thể thao của Pháp sở hữu nhiều thương hiệu thể thao độc quyền như Domyos, Quechua, Kalenji, Nabaji... Các sản phẩm của tập đoàn này không chỉ dùng tiêu thụ ở nội địa mà còn xuất khẩu tới nhiều thị trường trên toàn thế giới. Cụ thể, tập đoàn này hiện có hơn 1.700 cửa hàng tại 68 quốc gia. Các cửa hàng truyền thống của Decathlon có diện tích từ 1.000m2 đến 12.000 m2. Do đó khi trở thành nhà cung cấp của tập đoàn này sẽ giúp các sản phẩm Việt nâng cao vị thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. |