Cú lội ngược dòng ngoạn mục của xuất khẩu
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên, mặc dù tháng 2/2024 trùng với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và bối cảnh nền kinh tế - chính trị toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những tín hiệu khởi sắc.
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt được mức tăng trưởng "bứt phá" sau nhiều tháng duy trì tăng trưởng âm trong năm 2023.
2 tháng đầu năm 2024 Thái Nguyên xuất siêu 3 tỷ USD. Ảnh minh hoạ |
Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên chỉ rõ, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh ước đạt 6,3 tỷ USD (tăng 27,6% so với cùng kỳ).
Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2024 ước đạt 2,52 tỷ USD (giảm 33,5% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ).
Nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm sâu so với tháng trước là do trong tháng 1/2024 Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên tăng lượng xuất khẩu để kịp ra mắt thị trường dòng sản phẩm mới là S24 tại thị trường Mỹ vào ngày 18/1/2024.
Nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu chiếm tỷ trọng giá trị lớn nhất là điện thoại thông minh, máy tính bảng và sản phẩm điện tử khác ước đạt 2.309 triệu USD, chiếm 91,5% tổng giá trị xuất khẩu (giảm 35,2% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ).
Nhóm các mặt hàng khác có giá trị xuất khẩu ước tăng so với so với cùng kỳ gồm: Giấy và các sản phẩm từ giấy 0,4 triệu USD (tăng 17,1%); tấm tế bào quang điện, tấm mô đun năng lượng mặt trời 96,4 triệu USD (tăng 15,6%); phụ tùng vận tải 0,6 triệu USSD (tăng 7,1%).
Qua đó, cho thấy hoạt động xuất khẩu có chiều hướng tăng trưởng mạnh với nhóm mặt hàng chủ yếu là những sản phẩm chất lượng của Việt Nam.
Chè Thái Nguyên là một trong những sản phẩm được bảo hộ và xuất khẩu sang 10 nước |
Ở chiều ngược lại, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu trong tháng 2/2024 ước đạt 1.483,4 triệu USD (giảm 19,9% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ).
Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 3,3 tỷ USD (tăng 15,9% so với cùng kỳ).
Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu ước tính tăng là: Nguyên liệu và linh kiện điện tử (3 tỷ USD, tăng 17,3%); vải các loại (29,2 triệu USD, tăng 12,7%); giấy các loại (0,8 triệu USD, tăng 9,6%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (26,8 triệu USD, tăng 3,1%); nguyên, phụ liệu dệt may (11,3 triệu USD, tăng 2,3%); nguyên liệu chế tạo pin năng lượng mặt trời (145,9 triệu USD, tăng 2%)…
Như vậy, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2024 sụt giảm mạnh so với tháng trước nhưng lũy kế 2 tháng, Thái Nguyên vẫn xuất siêu 3 tỷ USD.
Đặc biệt, chỉ trong 2 tháng đầu năm, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xác lập được những đơn hàng mới và có giá trị lớn, góp phần duy trì đà chuyển biến tích cực từ những tháng cuối năm 2023 và kỳ vọng đà tăng trưởng bứt phá trong những tháng tới. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 giảm 2,35% so với tháng trước nhưng tăng 5,72% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.037,3 tỷ đồng, giảm 1,9% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ.
Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp
Năm 2024, ngành Công Thương Thái Nguyên đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 29.310 triệu USD, tăng 8% so với ước thực hiện năm 2023. Trong đó, xuất khẩu địa phương đạt 800 tỷ đồng, tăng 9%.
Tuy nhiên, dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi còn có những khó khăn, thách thức lớn như ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; lạm phát tuy được kiểm soát ở mức thấp nhưng vẫn chịu nhiều sức ép. Trong khi đó, Thái Nguyên là tỉnh có nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, các ngành sản xuất công nghiệp phải chịu tác động mạnh từ diễn biến quốc tế…
Để đạt được mục tiêu này, ngành Công Thương đã xây dựng những kế hoạch và giải pháp cụ thể, trong đó: Tăng cường đối thoại giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án công trình quan trọng của ngành; triển khai rà soát tình hình sản xuất của từng ngành như may mặc, sản xuất kim loại, cơ khí, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ... tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh Thái Nguyên cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển Thương mại giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại góp phần khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và phát triển sản xuất (đặc biệt là các ngành nghề mới, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, sản xuất các sản phẩm mũi nhọn có tiềm năng, lợi thế của tỉnh).
Thái Nguyên tiếp tục mở rộng thị trường xuất nhập khẩu sang các nước trên thế giới |
Ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho biết, để đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp, trong năm 2024, Ban tập trung các giải pháp về thu hút đầu tư.
Theo đó, Ban phấn đấu thu hút thêm 15 dự án đầu tư mới vào các khu công nghiệp, thu hút vốn đầu tư đăng ký mới đạt 500 triệu USD và 4.500 tỷ đồng; tiếp tục rà soát hồ sơ trình UBND tỉnh xin giao đất tại Khu công nghiệp Sông Công II, Điềm Thụy - khu A; bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh để phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp.
"Bên cạnh đó, Ban sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các FTA. Đồng thời, tăng cường hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp…", ông Phúc nhấn mạnh.
Tính đến 10/3, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu thông qua Chi cục Hải quan Thái Nguyên đạt 439,51 tỷ đồng, bằng 17,58% so với chỉ tiêu được giao, bằng 102,98 so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, năm 2024 là năm có chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. Đây là những tín hiệu đáng mừng đánh dấu sự khởi sắc trở lại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. |