Thái Nguyên: Hỗ trợ hàng trăm tấn vật tư cho các hợp tác xã sản xuất chè hữu cơ Thái Nguyên trong "cuộc đua" hút vốn FDI Thái Nguyên "mở rộng cửa" đón các nhà đầu tư nước ngoài |
Thái Nguyên là nơi hội tụ, chung sống lâu đời của 46 dân tộc anh em. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu, miền núi.
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đặc biệt, thông qua việc thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp đời sống vật chất và tinh thần của bà con được nâng lên một cách bền vững, thu hẹp khoảng cách so với mặt bằng chung của toàn tỉnh.
Thái Nguyên triển khai hiệu quả chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn. (Ảnh: Cổng TTĐTTN) |
Trong năm 2024, tỉnh Thái Nguyên dành trên 645 tỷ đồng từ các nguồn vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2024 là trên 458 tỷ đồng và trên 187 tỷ đồng từ kế hoạch vốn năm 2022, 2023 kéo dài thực hiện trong năm 2024.
Tỉnh đặt mục tiêu 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; trên 96% đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ngoài ra, sẽ duy trì tỷ lệ ít nhất 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú; 100% học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường; 99,3% học sinh đi học đúng tuổi ở cấp tiểu học, 99,2% ở cấp trung học cơ sở và 98% ở cấp trung học phổ thông và 99% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông.
Phấn đấu có trên 45% lao động là người dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện; 74,9% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 38,2% thôn, bản có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng...
Hiện tại, một trong những vấn đề quan tâm nhất của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt. Về nội dung này, tỉnh huy động vốn từ ngân sách, vốn vay tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ đất ở cho 27 hộ nghèo, hỗ trợ nhà ở cho 153 hộ nghèo, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 962 hộ dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh nghèo và hỗ trợ trên 1.000 hộ dân tộc thiểu số về nước sinh hoạt.
Tỉnh cũng triển khai các dự án thiết thực, phù hợp để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu là hỗ trợ thực hiện 30 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 45 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế.
Tập trung thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch…