Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và thanh, kiểm tra công tac an toàn, vệ sinh lao động |
Tích cực, chủ động và hiệu qủa
Theo lãnh đạo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB, XH) Thái Nguyên, triển khai chương trình, kế hoạch hoạt động năm 2018, ngay từ đầu năm, ngành LĐ-TB, XH địa phương đã triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) tới cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn đến doanh nghiệp và người lao động để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, để nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan, Sở đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức và thực hành về quy trình an toàn trong sản xuất cho các chủ doanh nghiệp, cán bộ phụ trách công tác AT-VSLĐ của doanh nghiệp.
Cùng đó, nhằm đôn đốc, giám sát việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực AT-VSLĐ, Sở đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra công tác này tại nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, lĩnh vực xây dựng và các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá.
Theo ông Phạm Đăng Yên - Chánh thanh tra Sở LĐ-TB, XH Thái Nguyên, công tác thanh tra, kiểm tra về AT-VSLĐ trong năm 2018 đã được tăng cường hơn những năm trước cả về số lần và mức độ thanh, kiểm tra.
“Ngoài kế hoạch kiểm tra về chấp hành chính sách đối với người lao động, các thanh tra viên của Sở đã, đang tiến hành kiểm tra các chuyên đề về thực hiện quy định của Nhà nước đối với một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, vật liệu nổ, luyện thép, cán thép có cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn tỉnh” – ông Yên nói và cho biết, từ kết quả thanh, kiểm tra, Sở có báo cáo đánh giá gửi cơ quan cấp trên và kiến nghị các biện pháp nhằm đảm bảo AT-VSLĐ và nhắc nhở, xử lý những đơn vị vi phạm, góp phần hạn chế tai lao động trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (trong 8 tháng đấu năm mới có 3 người chết vì tai nạn lao động). Đồng thời, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, doanh nghiệp trong việc chấp hành AT-VSLĐ, nhất là các doanh nghiệp dân doanh.
Cũng theo ông Yên, từ nay đến cuối năm, Thanh tra Sở sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra công tác AT-VSLĐ ở những lĩnh vực nóng, tiềm ẩn tai nạn lao động như: khai thác khoảng sản trong hầm lò, sản xuất và vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, cán thép, luyện thép... Đối với những đơn vị vi phạm nghiêm trọng về công tác này sẽ không chỉ lập biên bản nhắc nhở như những lần kiểm tra trước mà xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Quan tâm hơn đến bảo đảm ATLĐ tại các làng nghề, hợp tác xã
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 160 làng nghề và trên 1.000 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, tạo việc làm cho gần 80.000 xã viên, người lao động tại các địa phương trong tỉnh.
Quan tâm hơn nữa đến công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các làng nghề, hợp tác xã |
Mặc dù trong thời gian qua, công tác đảm bảo AT-VSLĐ đã được các cơ quan hữu quan quan tâm chỉ đạo và bản thân các làng nghề, HTX và xã viên, người lao động hưởng ứng nhưng do nhiều nguyên nhân, công tác này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là tại những làng nghề, HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất gắn với công việc nặng nhọc, như: sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, sản xuất gạch silicat…
Theo đánh giá, hiện không chỉ xảy ra tình trạng ô nhiễm ngay tại cơ sở sản xuất mà còn ảnh hưởng đến môi trường khu vực lân cận, nhất là tình trạng ô nhiễm khói, bụi, nước thải, tiếng ồn… ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và nhân dân địa phương.
Theo số liệu thống kê của các tổ chức chuyên ngành, hơn 90% người lao động trong các làng nghề tiếp xúc các yếu tố nóng, bụi, tiếng ồn, hóa chất... và nguy cơ gặp tại nạn lao động như bị bỏng, đứt tay chân, điện giật, bệnh hô hấp, bệnh ngoài da, tiêu hóa, phụ khoa luôn chiếm tỷ lệ cao.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do hoạt động sản xuất, kinh doanh ở làng nghề phát triển khá sôi động, nhưng chủ yếu theo quy mô gia đình. Việc đầu tư cơ sở sản xuất đáp ứng yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động rất khó vì ít vốn. Hơn nữa, lao động tại đây thường có mối quan hệ gia đình, hàng xóm với người sử dụng lao động nên luôn có tâm lý “tin nhau” và thỏa thuận miệng mà không có hợp đồng lao động đi kèm. Hơn nữa, do nhiều nguyên nhân, việc tập huấn kiến thức về ATVSLĐ trong cơ sở làm nghề còn rất ít. Sự chủ quan cùng nhận thức chưa đầy đủ về an toàn lao động dẫn đến việc người lao động và chủ cơ sở sản xuất chưa quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng, trang phục bảo hộ phòng, tránh tai nạn lao động…
Theo Sở LĐ –TB, XH tỉnh Thái Nguyên, bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng trăm vụ tai nạn lao động, nguyên nhân cơ bản là do chủ sử dụng lao động và người lao động vi phạm biện pháp an toàn, quy trình vận hành máy và thiết bị.
Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB, XH Thái Nguyên sẽ tiếp tục phối hợp với Liên minh HTX tỉnh và các cơ quan, địa phương có những biện pháp tích cực để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm AT- VSLĐ trong các làng nghề, HTX.
Trong đó chú trọng công tác tập huấn về AT-VSLĐ, khuyến khích hỗ trợ người làm nghề tham gia các hình thức bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm tai nạn lao động, tham gia khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của các cấp chính quyền, người dân trong công tác xã hội hóa AT-VSLĐ và bảo vệ môi trường; khuyến khích triển khai áp dụng mô hình quản lý AT-VSLĐ tại khu vực làng nghề theo phân cấp...
Sở cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở tham gia áp dụng hệ thống quản lý AT-VSLĐ tiên tiến, xây dựng văn hóa an toàn lao động. Đồng thời đẩy mạnh lồng ghép các hoạt động của Chương trình quốc gia về AT-VSLĐ với chương trình nội dung các dự án khác có liên quan; phát huy đồng bộ các hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình, khuyến khích người dân và các tổ chức, đoàn thể tham gia hoạt động của chương trình.