Bộ Công Thương: Hoàn thiện các chính sách tạo động lực phát huy các nguồn lực nền kinh tế Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Công Thương |
Nhiều chỉ tiêu về kinh tế tiếp tục duy trì ở mức cao
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Công Thương năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 chiều 26/12, ông Nguyễn Bá Chính - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho biết, là một trong những tỉnh đạt mức tăng trưởng cao thời gian qua, có vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Thái Nguyên luôn nỗ lực phát huy vị trí, thế mạnh của tỉnh là trung tâm kinh tế, công nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo của vùng, đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển chung của vùng và cả nước.
Ông Nguyễn Bá Chính- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị |
“Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị,sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, góp phần tiến tới hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; nhiều chỉ tiêu về kinh tế tiếp tục duy trì ở mức cao và nằm trong tốp đầu của cả nước”- ông Nguyễn Bá Chính bày tỏ.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 8,59% (kế hoạch 8%). Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 106,6 triệu đồng, bằng 101,5% kế hoạch, tăng 12,1% so với năm 2021. Kết quả thu ngân sách đạt 18.540 tỷ đồng,bằng 127,4% so với dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 103% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Bên cạnh đó, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 32,1 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm 2021 và bằng 100,3% kế hoạch, đứng thứ tư cả nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 56,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,8% so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 59,44 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2021.
Lãnh đạo Sở Công Thương Thái Nguyên chia sẻ thêm, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm phân bổ tất cả các nguồn vốn đầu tư để tập trung ngay từ những ngày đầu của năm, ước tính đến hết tháng 11/2022 kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt trên 5.600 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch vốn do Thủ tướng giao.
Với quyết tâm tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào tỉnh, mang lại động lực tăng trưởng cho kinh tế của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 172 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đã đăng ký gần 10,3 tỷ USD và 850 dự án đầu tư ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước với số vốn đăng ký trên 149 nghìn tỷ đồng.
“Những con số ấn tượng này tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chủ động, linh hoạt trong điều hành của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trước bối cảnh khó khăn chung”- ông Chính nhấn mạnh.
Công nghiệp là điểm nhấn phát triển
Trong năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp… nhưng với sự nỗ lực của UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động của doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt được mức tăng trưởng cao, vượt kế hoạch đã đề ra, tiếp tục đóng vai trò “trụ cột”, là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 931,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2021 và bằng 101,3% kế hoạch, đứng thứ tư cả nước.
Theo đó, công nghiệp duy trì được tốc độ phát triển và có sự bứt phá mạnh mẽ nên cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2022 tiếp tục xu hướng chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản. Cơ cấu khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 58,9%; trong đó, riêng công nghiệp chiếm trên 52% trong GRDP của tỉnh.
“Trong khu vực công nghiệp, với tốc độ tăng trưởng đạt 10,4%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của khu vực công nghiệp nói riêng và kinh tế của tỉnh nói chung, đóng góp lần lượt 9,32 điểm phần trăm và 4,93 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng của khu công nghiệp và tăng trưởng chung GRDP”- lãnh đạo Sở Công Thương Thái Nguyên khẳng định.
Ngoài ra, lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có có 5/7 khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút được 269 dự án đăng ký đầu tư, với 199 doanh nghiệp đang hoạt động; có 22/35 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng với tổng vốn đăng ký đầu tư là 6.650 tỷ đồng, các cụm công nghiệp đang hoạt động đã thu hút được 65 dự án đầu tư thứ cấp. Lĩnh vực công nghiệp đã giải quyết việc làm cho trên 250 nghìn lao động, chiếm trên 40% tổng số lao động của tỉnh.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Bá Chính cho biết, tỉnh Thái Nguyên sẽ tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được đặt ra tại Nghị quyết 16/2022/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2022 - 2025.
Theo đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chú trọng phát triển công nghiệp xanh.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất để trở thành động lực nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, thích ứng với cơ chế thị trường. Phân bổ, sử dụng hợp lý nguồn lực để phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh.
Ngoài ra, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư thực hiện đầu tư phát triển các dự án xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư trong năm 2023; Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp đó, tăng cường liên kết sản xuất với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô; chú trọng hình thành cụm liên kết sản xuất trong ngành công nghiệp điện, điện tử, chế biến chế tạo với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khôi phục và phát triển các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như ngành cơ khí chế tạo, thu hút đầu tư chế biến sâu trong khai thác khoáng sản để tạo đầu vào cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, gắn với vùng nguyên liệu, hình thành các cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi.
Tuy nhiên lãnh đạo Sở Công Thương Thái Nguyên cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm giúp đỡ tỉnh Thái Nguyên triển khai các nhiệm vụ quan trọng năm 2023 và các năm tiếp theo như: Quy hoạch tỉnh; các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu, Cụm công nghiệp, hạ tầng điện;các tuyến đường giao thông liên kết vùng; khu công nghệ thông tin tập trung… nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh vùng Trung du và Miền núi Phía Bắc.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ các nội dung vướng mắc, ách tắc, cản trở về chính sách đối với các dự án đầu tư giữa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản..., nhằm đồng bộ hóa các chính sách, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước và các nhà đầu tư tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời cũng đề xuất, các Bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ giới thiệu, mời gọi các nhà đầu tư lớn, uy tín vào đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên”- lãnh đạo Sở Công Thương Thái Nguyên nêu đề xuất.