Đột phá qua việc chuyển đổi số
Được thành lập từ năm 2016 với 8 thành viên và hơn 50 hộ liên kết cung cấp chè nguyên liệu. Đến nay Hợp tác xã chè Hảo Đạt đã có được vùng nguyên liệu lên hơn 10ha, đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín và tự động hóa đến 70% công đoạn, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 300 tấn chè búp khô, trong đó nhiều sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.
Doanh thu hàng năm của hợp tác xã tăng trưởng đều đặn, trung bình đạt khoảng 5-6 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động.
Cập nhật sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử giúp Hợp tác xã chè Hảo Đạt giảm chi phí từ nhiều khâu trung gian và tăng nhanh doanh thu tiêu thụ |
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt cho biết, nhận thức được vai trò và lợi ích của chuyển đổi số nên hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi số một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn nhân lực.
Hợp tác xã đã xây dựng website: chetancuonghaodat.vn, trang fanpage để tự giới thiệu sản phẩm; khách hàng có thể ngồi tại nhà lựa chọn và đặt hàng để được giao hàng tận nơi. Đặc biệt, các sản phẩm đều có mã vạch, tem truy xuất giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ.
Trong khâu sản xuất, chế biến chè, hợp tác xã cũng đã chuyển đổi từ sản xuất, chế biến thủ công sang sử dụng các máy móc, thiết bị hiện đại như: Máy hút chân không, hệ thống sao sấy bằng điện, máy đóng gói tự động… Ngoài ra, việc ứng dụng các phần mềm chấm công, phần mềm quản lý bán hàng đã giúp quản lý đơn hàng một cách dễ dàng và giảm được nhân công làm việc.
"Chuyển đổi số đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hợp tác xã. Với việc áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, các sản phẩm trà của đơn vị được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến và tin dùng. Ngoài ra, thông qua các công nghệ sao, sấy, đóng gói chè tự động, sản lượng của hợp tác xã tăng cao đáng kể, trung bình mỗi ngày hợp tác xã có thể sản xuất, đóng gói hàng tấn chè", Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt chia sẻ.
Giàn phơi tự động 5.000m2 của Hợp tác xã miến Việt Cường giúp giảm bớt nhân công, chi phí, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm |
Không chỉ đối với Hợp tác xã chè Hảo Đạt, việc ứng dụng chuyển đổi số đã giúp nhiều hợp tác xã khác nâng cao giá trị, tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như ở Hợp tác xã miến Việt Cường, đơn vị này đặt mục tiêu ứng dụng công nghệ số để các hộ thành viên sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm. Đồng thời được hỗ trợ đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP lên các sàn thương mại điện tử; chủ động đăng tải sản phẩm lên các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, sàn thương mại điện tử Lazada, Sendo…
Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Văn Ba cho biết, khi tham gia sàn thương mại điện tử, sản phẩm của hợp tác xã đã được nhiều người biết đến và được sử dụng. Hiện nay, miến Việt Cường đã được tiêu thụ tại 63 tỉnh thành và là nhà cung cấp cho nhiều hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc.
Đặc biệt, trước đây, khi chưa tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử, hợp tác xã phải tự đóng gói, vận chuyển bằng xe máy ra bến xe gửi hàng đi các tỉnh, thành phố gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian, sản phẩm mới tới được tay khách hàng. Nhưng từ khi tham gia bán hàng trên sàn Postmart, việc đóng hàng, vận chuyển hàng được bưu điện hỗ trợ tại cơ sở của hợp tác xã, đội ngũ nhân viên bưu điện đến trực tiếp hợp tác xã hỗ trợ đóng gói đúng quy cách và đúng quy trình vận chuyển.
Năm 2023, doanh thu của hợp tác xã đạt gần 16 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm trước; giải quyết việc làm cho 30 lao động, với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ vậy, sản phẩm của Hợp tác xã miến Việt Cường đã được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Lào...
Tăng cường hỗ trợ hợp tác xã chuyển đổi số
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 760 hợp tác xã với trên 42.000 thành viên và hơn 4.500 tổ hợp tác với trên 108.000 thành viên. Xác định chuyển đổi số có ý nghĩa hết sức quan trọng, là "chìa khóa" để tăng năng suất lao động, thay đổi phương thức quản lý của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã, bởi vậy thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng chuyển đổi số, qua đó tạo sự đột phá trong sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên cho biết: Để các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân có thêm cơ hội quảng bá nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, giữa tháng 8/2023, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã phối hợp với một số sở, ngành và UBND huyện Võ Nhai tổ chức Chương trình livestream phiên chợ na La Hiên và nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên.
Bằng công nghệ, những hình ảnh, thông điệp từ sản phẩm Trà Thái Nguyên đã được bà con nông dân Thái Nguyên gửi đến khách hàng trong và ngoài nước |
Tại chương trình này có 5 điểm livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram,… trưng bày, bán sản phẩm na và các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của 15 hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Sau 4 giờ livestream, các chủ thể đã bán được gần 2.000 đơn hàng, trong đó 500 đơn là các sản phẩm: Trà, miến, bánh chưng, măng, kẹo lạc… Riêng sản phẩm na đã được bán trực tiếp 2,5 tấn cho khách tham dự chương trình và bán trực tuyến 6,3 tấn.
Theo bà Hương, ngoài chương trình trên, thời gian qua Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để hướng dẫn, phổ biến tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa của chuyển đổi số trong việc giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng thu nhập cho các hợp tác xã.
Bên cạnh đó, đặc biệt quan tâm đến hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, giúp các hợp tác xã livestream bán sản phẩm của mình trên các trang mạng xã hội, hướng dẫn các hợp tác xã tự đưa sản phẩm của mình lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, tự quay Tiktok, clip quảng bá sản phẩm.
"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các đơn vị, sở, ngành đẩy mạnh tập huấn, nâng cao kỹ năng marketing, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sáng tạo nội dung… Cùng với đó là phát triển liên kết, liên hiệp các hợp tác xã sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ nhằm mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng đơn hàng lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên môi trường số", bà Hương cho hay.
"Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, đặc biệt chú trọng việc chuyển đổi số trong cải cách hành chính; xây dựng phần mềm dùng chung để phục vụ quản lý dữ liệu ngành, ứng dụng công nghệ số trong chỉ đạo sản xuất, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và thương mại điện tử trong nông nghiệp. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản; đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu của tỉnh vươn xa thị trường trong nước và nước ngoài. Đồng thời, phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh sớm hoàn thiện, đưa vào hoạt động có hiệu quả Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên". Ông Phạm Văn Sỹ Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên |