Thái Bình đưa sản phẩm OCOP 'cất cánh' nhờ chuyển đổi số
Chuyển đổi số để nâng tầm sản phẩm OCOP
Là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về nông nghiệp với các vùng nguyên liệu đang phát triển mạnh, Thái Bình đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, chú trọng vào chuyển đổi số.
Thời gian qua, địa phương này đã hình thành nên nhiều doanh nghiệp nhỏ, vừa, tạo công ăn việc làm, giải quyết nhiều đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP. Doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20 - 30%, trong đó, doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%.
Đơn cử như tại huyện Quỳnh Phụ, để tạo đột phá trong sản xuất, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tiếp thu cơ giới hóa; liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, giới thiệu, nhân rộng các mô hình hiệu quả; tạo điều kiện cho cán bộ quản lý hợp tác xã (HTX) học tập kinh nghiệm; giới thiệu các địa chỉ, kết nối với các công ty uy tín để các HTX liên kết sản xuất.
Toàn huyện có 4.565 hộ tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, trên diện tích 1.321 ha, chủ yếu tập trung vào nhóm lúa chất lượng như lúa Nhật, Hương cốm 4, Thiên ưu 8, Đài thơm, nếp, BC15, ngô và rau màu các loại. Các đơn vị liên kết sản xuất tiêu biểu như: Công ty cổ phần tập đoàn Thái Bình Seed, Công ty TNHH An Đình, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển TB Việt Nam, Công ty Duy Nguyên - Quỳnh Bảo, Công ty TNHH DV và TM Doanh Đạt...
Từ việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hiệu quả và mạnh dạn ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã tạo động lực quan trọng để trên địa bàn huyện, xuất hiện ngày càng nhiều hơn các mô hình tích tụ, tập trung đất đai quy mô lớn, hiệu quả rõ nét, mang lại nguồn thu nhập cao.
Mô hình chuyên canh cây rau màu xã Quỳnh Hải là một điển hình của ứng dụng chuyển đổi số trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của huyện Quỳnh Phụ. Ảnh: Minh Tăng |
Toàn huyện Quỳnh Phụ có 312 hộ tích tụ trên 1.400ha để sản xuất nông nghiệp, quy mô từ 2ha trở lên, 12 địa phương có vùng sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP, có mã số vùng trồng với diện tích 61,67ha; hình thành một số mô hình chuyên canh, sản xuất quy mô lớn có giá trị kinh tế cao như mô hình chuyên canh cây rau màu xã Quỳnh Hải; nâng cao giá trị sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm, cánh đồng không bờ, cánh đồng liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản ở xã An Mỹ, An Tràng, An Thanh, Quỳnh Thọ, An Ninh...
Nhiều HTX không chỉ làm tốt vai trò cung cấp các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất, mà đã mạnh dạn làm cầu nối giữa nhà nông và doanh nghiệp, hoặc trực tiếp liên kết với nông hộ, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất lúa đến tiêu thụ gạo, có nhãn mác, xuất xứ, thương hiệu rõ ràng và từng bước khẳng định được vị trí trên thị trường.
Đặc biệt, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã được huyện Quỳnh Phụ thực hiện tích cực. Huyện đã có 27 cơ sở với 31 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao; 12 vùng sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP và có mã số vùng trồng; sản phẩm được giới thiệu, quảng bá trên sản thương mại điện tử PostMart.
Đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm
Thời gian qua, nhiều chính sách về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đã đang được tỉnh Thái Bình triển khai như Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích tích tụ ruộng đất, hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp...
Đặc biệt, Thái Bình đã và đang triển khai rất nhiều những chương trình về chuyển đổi số như Nghị quyết số 02-NQ/TU năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định 571/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Nhờ có nhiều chủ trương, chính sách đúng, quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp của Thái Bình đã đạt được một số kết quả tích cực trên cả 3 khía cạnh: Hạ tầng số, kinh tế số và xã hội số.
Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay, tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều chương trình hành động và kế hoạch để đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tập huấn nâng cao cho doanh nghiệp về cách thức quảng bá sản phẩm, khai thác sàn thương mại điện tử, đào tạo tư vấn các biện pháp hữu hiệu để giao dịch trên sàn…
Đơn cử, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình phối hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và TikTok Shop Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp, HTX năm 2024.
Tỉnh Thái Bình đã tổ chức nhiều buổi tập huấn nâng cao cho các doanh nghiệp, HTX về cách thức quảng bá sản phẩm, khai thác sàn thương mại điện tử. Ảnh: Thu Trang |
Tham gia tập huấn, gần 100 học viên là lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh được đại diện TikTok Shop Việt Nam truyền đạt, giới thiệu các nội dung: Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại đối với doanh nghiệp và cộng đồng, thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.
Đồng thời, nâng cao trình độ sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh, cách thức tham gia các nền tảng số, kỹ năng livestream để quảng bá hình ảnh sản phẩm, sản lượng mùa vụ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, từ đó nâng tầm giá trị thương hiệu của nông sản Việt Nam; đào tạo kỹ năng và hướng dẫn trực tiếp cho các doanh nghiệp, các HTX về cách thức bán hàng trực tuyến, xây dựng các gian hàng trên nền tảng số... Qua đó, giúp các doanh nghiệp, HTX thực hành các thao tác bán hàng trực tiếp, xây dựng các video quảng bá thương hiệu sản phẩm… giúp gia tăng cơ hội kết nối giao thương thành công và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình còn phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử nhằm hiện đại hóa quy trình kinh doanh, xây dựng chuỗi cung ứng thông minh, định hướng gắn kết đến thị trường khu vực, thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, chú trọng kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn như: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Alibaba... để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các mặt hàng đặc trưng của tỉnh.
Thời gian qua, Sở Công Thương Thái Bình đã xây dựng sàn thương mại điện tử của tỉnh, hỗ trợ 3 đơn vị xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến, khoảng 300 đơn vị với khoảng 2000 sản phẩm gồm các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ngành Công Thương tỉnh sẽ tiếp tục duy trì sàn thương mại điện tử tỉnh Thái Bình (ecthaibinh.com), cập nhật thông tin các sản phẩm OCOP lên sàn. Ngoài ra, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc ứng dụng thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo thống kê, đến nay, tỉnh Thái Bình có 216 sản phẩm OCOP, tăng 88 sản phẩm so với năm 2023. Các sản phẩm OCOP được tuyên truyền, quảng bá, tạo gian hàng trên sản thương mại Postmart.vn; tham gia sàn thương mại điện tử uy tín trong nước và nước ngoài (Alibaba, Sendo...); trưng bày, giới thiệu, giao dịch sản phẩm OCOP, sản phẩm khoa học công nghệ và sản phẩm chủ lực tại Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình. |