Thái Bình: Đứng đầu Đồng bằng sông Hồng, thứ 3 cả nước về chỉ số sản xuất công nghiệp Gói 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội: Đã có 21 dự án đủ điều kiện vay |
Cụ thể, căn cứ số liệu dự báo tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), tỉnh Thái Bình phấn đấu mục tiêu đến năm 2030 toàn tỉnh có diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 35 m2 sàn/người. Trong đó, khu vực đô thị đạt 39m2 sàn/người và khu vực nông thôn đạt 32,3 m2 sàn/người.
Trên cơ sở dự báo dân số, diện tích nhà ở bình quân đầu người, thì tổng diện tích nhà ở toàn tỉnh đến năm 2030 sẽ phấn đấu đạt hơn 73 triệu 400 m2 sàn. Đáng chú ý, diện tích nhà ở khu vực nông thôn sẽ nhiều hơn khu vực đô thị, với tổng diện tích hơn 40 triệu 600 nghìn m2 sàn.
Dự án nhà ở xã hội tại xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình do Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Thăng Long (Dragon Group) đầu tư xây dựng với 2 tòa nhà cao 9 tầng, tổng số 498 căn hộ đang được bàn giao đến khách hàng. Ảnh: Trung Du |
Về chất lượng nhà ở, UBND tỉnh Thái Bình quyết tâm đến năm 2025 không còn nhà ở đơn sơ, nhà ở kiên cố đạt 99% và đến năm 2030 nhà ở kiên cố sẽ đạt 99,5%.
Yêu cầu đề ra của tỉnh là nhà ở mới phải bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, gắn với các dự án phát triển đô thị, bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng số, thiết kế mở rộng không gian tiện nghi, chức năng của căn nhà theo hướng phát triển không gian xanh, bền vững, phát thải thấp.
Cũng trên cơ sở tính toán diện tích nhà ở tăng thêm qua các giai đoạn và việc triển khai các dự án phát triển nhà ở, thực trạng phát triển nhà ở của người dân tự xây, thực trạng hộ gia đình chính sách cần hỗ trợ về nhà ở, tỉnh Thái Bình đưa ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có hơn 38 nghìn căn nhà ở thương mại; hơn 31 nghìn căn nhà ở xã hội; gần 20 nghìn căn nhà ở cho công nhân và hơn 11 nghìn căn nhà ở cho người thu nhập thấp.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, diện tích quỹ đất cần để triển khai xây dựng nhà ở thương mại đến năm 2030 là 910 ha; nhà ở xã hội là 134 ha; nhà ở cho công nhân là 92 ha và nhà ở cho người thu nhập thấp là 42 ha.
Theo tính toán, nguồn vốn để phát triển nhà ở nêu trên là rất lớn. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025 là gần 100 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là gần 125 nghìn tỷ đồng
Để hiện thực hóa Chương trình phát triển nhà ở, tỉnh Thái Bình đã đưa ra các nhóm giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách và cải cách hành chính; giải pháp về nguồn vốn và thuế; giải pháp về quy hoạch kiến trúc, xây dựng; giải pháp phát triển lành mạnh thị trường bất động sản nhà ở...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở để tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn. |