Việc mở cửa được sản phẩm thạch đen sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu tốt hơn, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian tới |
Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), các chuyên gia của Trung Quốc đã sang Lạng Sơn để kiểm tra khu vực sản xuất, đóng gói và các biện pháp bảo quản thạch đen tại địa phương này.
Lạng Sơn hiện có diện tích trồng thạch đen lớn nhất cả nước với diện tích khoảng 2.000ha cho sản lượng trên 10.000 tấn/năm. Với sản lượng đó, thu nhập người dân trên địa bàn tỉnh với mặt hàng này khoảng 200-250 tỷ đồng/năm. Việc mở cửa được sản phẩm này sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu tốt hơn, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng hay một số tỉnh phía Nam cũng có thể phát triển loại cây trồng này.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao việc cá nhân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc - ông Nghê Nhạc Phong và các đồng nghiệp đã tích cực hỗ trợ thúc đẩy ký trực tuyến Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen của Việt Nam sang Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã đồng ý và chỉ đạo cấp kỹ thuật của hai bên tiến hành các biện pháp đánh giá, thẩm định trực tuyến hoặc qua video đối với sản phẩm tổ yến của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đang có đề nghị Trung Quốc xem xét mở cửa thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm sầu riêng, khoai lang, bưởi, chanh leo từ Việt Nam. Các đề xuất của Việt Nam đang được các cơ quan chức năng xem xét để sớm ký nghị định thư trong thời gian tới.
Ở chiều ngược lại, về đề xuất nhập khẩu giống lúa lai của Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam đánh giá cao, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các giống lúa lai của Trung Quốc được gieo trồng tại Việt Nam. Bộ sẽ chỉ đạo các viện nghiên cứu vừa tiếp nhận vừa nghiên cứu các giống lúa cho Việt Nam và Trung Quốc.
Tại hội nghị, hai bên đồng ý để các cơ quan liên quan của hai nước thiết lập đường dây nóng nhằm phối hợp kịp thời xử lý những vướng mắc trong thương mại giữa hai nước, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp hai bên. Hai bên cũng đồng ý nâng cao việc tăng cường chống buôn lậu, kiểm dịch động vật để phòng chống dịch bệnh động vật xuyên biên giới, nâng cao năng lực kiểm dịch của hai bên.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc trên toàn cầu, đứng đầu trong ASEAN. Trong lĩnh vực nông nghiệp hai bên đã ký 13 văn kiện nhằm thúc đẩy thương mại nông sản hai nước. Việt Nam và Trung Quốc có sự bổ trợ chặt chẽ cho nhau. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm như: thực phẩm, cây công nghiệp, rau quả nhiệt đới, thủy sản. Ngược lại, Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng là vật tư và thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm ôn đới, hàng nông sản chế biến.
Trong giai đoạn 2010 - 2019, kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản giữa 2 nước tăng trưởng bình quân 15%/năm, đạt 15,7 tỷ USD năm 2019. Trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, trong 10 tháng qua đầu năm 2020, kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc vẫn đạt 11,2 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2,9 tỷ USD.