Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2018, trung tâm đã hỗ trợ hộ kinh doanh Bảy Thơm đầu tư máy sấy vào sản xuất bánh tráng. Thiết bị này có thể sử dụng được 3 loại năng lượng mặt trời, điện, củi để vận hành, do vậy khá linh hoạt trong sử dụng và tiết kiệm chi phí. Báo cáo hiệu quả sau đầu tư của đơn vị thụ hưởng cho thấy, máy sấy đã giúp khép kín quy trình sản xuất của cơ sở, chất lượng sản phẩm ổn định. Đặc biệt, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, không tốn diện tích phơi, thời gian sấy nhanh từ 15-30 phút và chỉ cần 2-3 công nhân vận hành máy. Do vậy, doanh thu của cơ sở ổn định hơn và tăng khoảng 10% so với trước khi đầu tư, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất mang lại hiệu quả cao |
Tương tự, trung tâm đã hỗ trợ Công ty TNHH Công nghệ - Thực phẩm Hoàng Phát Nghĩa thực hiện đề án "Hỗ trợ ứng máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất máy sấy".
Thiết bị hỗ trợ là máy cắt được điều khiển số với hai bộ xử lý, có thể nhập dữ liệu từ máy tính bên ngoài như USB, CD-ROM và có thể gia công được trên chất liệu mika, gỗ, inox, đồng, nhôm, nhựa… Máy được bố trí hệ thống cấp và thoát nước tưới nguội tốt nên không xảy ra tình trạng tắc, hay chậm đường nước, bàn máy có rãnh chữ T rất thuận tiện cho việc gá lắp chi tiết khi gia công sản phẩm. Chức năng chạy không tải và chạy mô phỏng sản phẩm cắt giúp người sử dụng tìm được lỗi trên bản vẽ trước khi gia công. Sau khi đề án hoàn thành, thiết bị, máy móc vận hành ổn định đã giúp doanh nghiệp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đồng đều, chi phí sản xuất giảm.
Trên đây là 2 trong gần 10 cơ sở CNNT được khuyến công Tây Ninh hỗ trợ đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất trong năm vừa qua. Đây cũng là nội dung thu hút đáng kể nguồn vốn đối ứng từ các đối tượng thụ hưởng. Số liệu từ Sở Công Thương Tây Ninh cũng cho thấy, từ năm 2014-2018, trung tâm đã hỗ trợ thực hiện 32 đề án ứng dụng công nghệ, đổi mới sản xuất với tổng kinh phí trên 5,1 tỷ đồng.
Theo đại diện Sở Công Thương Tây Ninh, đây là hoạt động hỗ trợ trực tiếp vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế nhanh và bền vững cho đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên do phần lớn các cơ sở CNNT trên địa bàn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nguồn vốn cho đổi mới thiết bị công nghệ ít, năng lực tiếp cận nguồn thông tin về thiết bị, máy móc mới chưa cao. Không ít cơ sở mặc dù có nhu cầu nhưng không đáp ứng đủ tiêu chí để thụ hưởng chính sách khuyến công…
Để tháo gỡ những khó khăn trên, từng bước hiện đại hóa sản xuất CNNT, trung tâm sẽ chủ động tiếp cận các cơ sở nắm rõ nhu cầu, hỗ trợ hiệu quả cho phát triển sản xuất. Giảm thiểu xây dựng chương trình, đề án dàn trải, nhỏ lẻ, tập trung vào những đề án mang tính liên kết với các ngành nghề khác tại địa phương, trong đó tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường đẩy mạnh thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
Trung tâm đã trình Cục Công Thương địa phương phê duyệt kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2019 với 5 đề án thuộc nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất với kinh phí 1,5 tỷ đồng. |