Malaysia bắt đầu đàm phán nhập khẩu gạo với Ấn Độ Malaysia quảng bá văn hóa ẩm thực tại Việt Nam 2 tháng đầu năm: Malaysia là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn nhất của Việt Nam |
Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Malaysia trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 2,3 tỷ USD, tăng tới 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù, tháng 2/2024 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài nhưng giao thương giữa hai nước Việt Nam - Malaysia đã có sự tăng trưởng đáng khích lệ sau cả năm 2023 chứng kiến suy giảm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 792 triệu USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD, tăng mạnh tới 20,4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu từ Việt Nam sang Malaysia tăng chậm hơn nhập khẩu và giá trị tuyệt đối của kim ngạch nhập khẩu gần gấp đôi xuất khẩu, điều này đã cho thấy nhập siêu từ Malaysia lại trở thành vấn đề cần quan tâm.
2 tháng đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng nông sản như: Gạo, cà phê sang thị trường Malaysia cũng có mức tăng trưởng ấn tượng với các con số lần lượt là 145,3% và 86,3%. Ảnh minh họa |
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Malaysia đều có sự tăng trưởng mạnh, ấn tượng như: Sắt thép các loại tăng tới 66,9%; điện thoại các loại và linh kiện tăng tới 71,2% ; đặc biệt, mặt hàng hóa chất tăng tới 269%... Tương tự, hàng nông sản như gạo, cà phê cũng có mức tăng trưởng ấn tượng với các con số lần lượt là 145,3% và 86,3%. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2024, nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường này cũng ghi nhận mức giảm cao như: Sản phẩm hóa chất giảm tới 27,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng giảm 39,2%...
Về nhập khẩu, các mặt hàng tăng giảm đan xen nhưng đáng lưu ý nhất là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất là xăng dầu các loại (chiếm tới 57,7%) đã tăng tới 62,1% và mặt hàng khí đốt hóa lỏng tăng tới hơn 5 lần.
Chỉ ra nguyên nhân khiến nhập siêu từ Malaysia tăng mạnh, Thương vụ Việt Nam tại thị trường này cho biết, nếu xem xét kỹ từng mặt hàng thì có thể nhận thấy nguyên nhân cơ bản là Việt Nam tăng nhập khẩu mạnh sản phẩm xăng dầu và khí hóa lỏng từ Malaysia làm cho cán cân thương mại nghiêng mạnh về phía bạn.
Chú trọng khai thác thị trường Halal, đẩy mạnh xuất khẩu
Ông Lê Phú Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia nhận định, hàng hóa Việt Nam còn rất nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường Malaysia. Bởi đây là thị trường có sức mua khá, nhu cầu đa dạng và gần gũi về văn hóa tiêu dùng với hàng Việt.
Chưa kể, Malaysia có độ mở thị trường lớn; mức độ rào cản tương đối thấp với hàng xuất khẩu của Việt Nam do hai nước cùng tham gia nhiều hiệp định trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN +, đặc biệt là Hiệp định Ðối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hơn nữa, Malaysia đang thiếu hụt nguồn cung nội địa về nhiều loại thực phẩm thiết yếu như gạo, thủy hải sản...
Bên cạnh cơ hội, hoạt động xuất khẩu sang thị trường này còn gặp nhiều rào cản. Theo Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, nước này có tỷ lệ dân theo đạo Hồi lớn (tới trên 65%). Hiện quốc gia này đang thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) cho hàng thực phẩm nhập khẩu chủ yếu vì lý do tôn giáo.
Tuy nhiên việc áp dụng tiêu chuẩn này đã trở thành một rào cản phi thuế. Việc áp dụng chỉ mang tính chất tự nguyện chứ không phải là quy định bắt buộc với cả nước xuất khẩu và nhập khẩu.
“Việc áp dụng tiêu chuẩn Halal làm tăng chi phí cho các sản phẩm lượng thực, thực phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên việc có được chứng chỉ này sẽ giúp sản phẩm tiếp cận được số lượng người tiêu dùng đông đảo hơn tại nước này do những người tiêu dùng Hồi giáo chiếm tỷ lệ đông đảo và họ có ý thức rất cao về lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm có chứng chỉ Halal” - ông Lê Phú Cường phân tích.
Thực tế hiện nay số lượng đơn vị có chức năng cấp chứng chỉ Halal ở Việt Nam còn ít, chi phí là khá cao đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặt khác, một số yêu cầu khó thực hiện tại Việt Nam như quy định phải có người đạo Hồi giám sát quy trình sản xuất. Theo thông tin từ Thương vụ, hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp đã được cấp chứng chỉ Halal cho khoảng 3.000 sản phẩm xuất khẩu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đáp ứng về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là về chứng nhận Halal. Nếu có chứng nhận này sản phẩm của doanh nghiệp sẽ hướng đến 100% dân số của Malaysia. Ảnh minh họa |
Không chỉ rào cản từ phi thuế quan, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia cho rằng do Malaysia là thị trường tương đối mở cho hàng nhập khẩu, vì thế hàng Việt Nam xuất sang thị trường này có sự cạnh tranh khốc liệt với nước xuất khẩu khác, nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... Hơn nữa, trong khi các mặt hàng thực phẩm yêu cầu có chứng chỉ Halal nhưng việc cấp chứng chỉ này không phải do cơ quan nhà nước Việt Nam quản lý mà do các cơ quan chính quyền một số nước Hồi giáo công nhận.
Ngoài ra, khi tiếp cận thị trường Malaysia, các doanh nghiệp trong nước còn gặp phải rào cản về ngoại ngữ, sự khác biệt về văn hóa... Chưa kể, nhiều trường hợp lừa đảo xảy ra đã làm giảm niềm tin trong giao thương.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam và Malaysia đang nỗ lực hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2030. Trong khi đây là thị trường khá “màu mỡ” cho doanh nghiệp Việt Nam, do đó doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên, để tiếp cận được rộng hơn vào thị trường Malaysia, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đáp ứng về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là về chứng nhận Halal. Nếu có chứng nhận này sản phẩm của doanh nghiệp sẽ hướng đến 100% dân số của Malaysia. Chứng nhận Halal như là minh chứng về sự an toàn, vệ sinh thực phẩm và chất lượng nói chung cho toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm của mình.
“Malaysia đang tăng cường kiểm soát giá cả sinh hoạt do thiếu hụt nguồn cung một số loại thực phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất, sản phẩm thiết yếu như trứng, gạo... nên quan tâm kết nối với hệ thống phấn phối để gia tăng xuất khẩu” - Thương vụ thông tin và cảnh báo, doanh nghiệp xuất khẩu cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thương vụ trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương, nhất là việc xác minh đối tác .
Đối với các địa phương, ông Lê Phú Cường cho rằng, các địa phương cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp tại thị trường Malaysia thông qua các hội chợ chuyên ngành hoặc tổng hợp các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại Malaysia...
Đặc biệt, Thương vụ lưu ý, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần chủ động cập nhật thêm về thông tin, tiềm năng thương mại giữa Việt Nam và Malaysia nói riêng cũng như thị trường các nước Hồi giáo nói chung. Từ đó, có cơ sở hoạch định kế hoạch mở rộng thị trường, tìm được những đối tác đầu tư và kinh doanh tại Malaysia.