Gần 35.000 cổ đông HBC nhận tin dữ, cổ phiếu sắp bị hủy niêm yết bắt buộc "Nội chiến" ở Xây dựng Hòa Bình: Ông Nguyễn Công Phú rút khỏi HBC Xây dựng Hòa Bình (HBC) khi nào qua "cơn bĩ cực"? |
Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã cổ phiếu: HBC) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSe) liên quan đến Công văn số 1192/SGDHCM-NY ngày 26/7/2024 về việc đến việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC.
Tập đoàn Hòa Bình khẳng định, không đồng ý với các căn cứ HOSE áp dụng để xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC bởi các lý do:
Thứ nhất, điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ không quy định chi tiết về việc xem xét điều kiện lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất hay trên báo cáo tài chính kiểm toán riêng. Hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản pháp luật của cơ quan có thẩm quyền nào hướng dẫn áp dụng hay giải thích pháp luật đối với trường hợp này.
Đối với trường hợp của Tập đoàn Hòa Bình, vốn điều lệ của công ty là 2.741.332.700.000 đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính kiểm toán riêng năm 2023 là (2.401.442.965.897) đồng và tại báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2023 là (3.240.326.644.959) đồng. Như vậy, tổng số lỗ luỹ kế của HBC trên báo cáo tài chính kiểm toán riêng chưa vượt quá số vốn điều lệ của Công ty nên không thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã cổ phiếu: HBC) "phản pháo" Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSe). |
Thứ hai, việc HOSE căn cứ vào tiền lệ trước đây (lịch sử áp dụng) để xem xét hủy niêm yết cổ phiếu HBC là không phù hợp với pháp luật hiện hành. Cụ thể, trước đây Quy chế niêm yết chứng khoán tại HOSE ban hành kèm theo Quyết định số 85/QĐ-SGDHCM ngày 19/03/2018 có hướng dẫn về việc căn cứ vào Báo cáo tài chính hợp nhất để xem xét điều kiện lỗ lũy kế đối với tổ chức niêm yết có công ty con, nên các trường hợp tương tự Tập đoàn Hòa Bình trong lịch sử bị hủy niêm yết là phù hợp.
Tuy nhiên, ngày 31/3/2022 Hội đồng thành viên HOSE đã ban hành Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV đã bỏ quy định nêu trên của Quy chế cũ. Do đó, ở thời điểm hiện tại, việc HOSE căn cứ vào tiền lệ trước đây (lịch sử áp dụng), nguyên tắc tương tự hay bất kỳ căn cứ nào khác không phải là quy định pháp luật hiện hành thì đều là không phù hợp quy định pháp luật.
Ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Bình ý thức được các hệ lụy vô cùng nghiêm trọng của việc hủy bỏ niêm yết đối với cổ phiếu của Công ty. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 39.000 cổ đông và hàng nghìn người lao động đang phụ thuộc kinh tế vào Công ty, đồng thời ảnh hưởng đến hơn 1.400 nhà cung cấp; nhà thầu phụ với hàng trăm nghìn người lao động của các doanh nghiệp này.
Do đó, Tập đoàn Hòa Bình tha thiết kính mong HOSE xem xét, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định liên quan đến việc hủy bỏ niêm yết đối với cổ phiếu của công ty. Điều này, nhằm tạo điều kiện cho Hòa Bình, duy trì đảm bảo hoạt động liên tục nhằm làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của HBC với cổ đông cùng các bên liên quan.
Cổ phiếu HBC quay đầu tăng vào sáng nay sau 3 phiên giảm sàn liên tục. |
Trước đó, ngày 26/07, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSe) thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Theo Báo cáo tài chính kiểm toán của HBC tại ngày 31/12/2023, doanh nghiệp này đã lỗ lũy kế hơn 3,240 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ hơn 2,741 tỷ đồng. Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ bị hủy bỏ niêm yết.
Ghi nhận của phóng viên, kết thúc phiên giao dịch sáng nay (ngày 1/8/2024), sau 3 phiên giảm sàn liên tục (từ 29 đến 31/7), mã cổ phiếu HBC đã tăng trở lại, đang ở mốc 5.930 đồng/ cổ phiếu. Lượng giao dịch đạt gần 1,5 triệu cổ phiếu.