Cách nào để thương hiệu mới “chen chân” vào thị trường cà phê? Ngành cà phê tập trung thúc đẩy tiêu dùng trong nước |
Tiềm năng nhưng không dễ tìm chỗ đứng
Việt Nam là nước sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và cũng là quốc gia có văn hóa cà phê nở rộ. Đây được cho là yếu tố thúc đẩy thị trường cà phê phát triển mạnh mẽ khi đạt quy mô 10.845 tỷ đồng vào năm 2022 (khoảng 452 triệu USD) và sẽ tăng lên 15.837 tỷ đồng vào năm 2027.
Đây cũng là điều dễ hiểu khi thị trường cà phê nội địa thu hút các thương hiệu kinh doanh trong nước lẫn quốc tế gia nhập thị trường, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Trong đó có nhiều thương hiệu đã tạo nên tên tuổi và chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng như Trung Nguyên, Starbucks, VinaCafe…
Chính vì thế, với những thương hiệu mới khi ra mắt thị trường sẽ có không ít trở ngại. Lý do được ông Lê Hữu Tình - Giám đốc Makerting Emart Việt Nam cho biết, hiện có rất nhiều nhãn hàng cà phê nên các nhà bán hàng phải cạnh tranh rất gay gắt với những nhãn hàng đã có chỗ đứng trên thị trường nhiều năm. Và thách thức lớn nhất với những thương hiệu mới là thay đổi được gu cà phê của khách hàng với thương hiệu cũ, thay đổi nhận thức về thương hiệu mới.
Người tiêu dùng hoa mắt trước những thương hiệu cà phê trên thị trường |
Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Bình - Chuyên gia thị bán lẻ, tiêu dùng- cho rằng, với lĩnh vực cà phê, khi cho ra thị trường một nhãn hàng mới rất dễ song để nó thực sự tồn tại lại không dễ bởi các nhãn hàng cà phê cũ đã có thương hiệu từ lâu và tạo được một chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng. “Mỗi một khách hàng đều quen thuộc và dành sự ưa chuộng cho một sản phẩm cà phê, chính điều đó khiến họ rất khó để thay đổi sở thích của mình”- ông Bình nhấn mạnh.
Thừa nhận gặp khó khăn trong hành trình khi chinh phục nội địa, ông Nguyễn Ngọc Luận - Nhà sáng lập Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu - cho biết: So với việc đem hàng đi xuất khẩu, việc tiếp cận nội địa khó hơn và chi phí phải bỏ ra để đưa sản phẩm tới tay khách hàng cũng tốn hơn gấp 5 lần.
Cái khó đầu tiên, theo ông Nguyễn Ngọc Luận, doanh nghiệp phải làm quảng bá để người tiêu dùng biết đến. Thứ hai, sản phẩm mới thường không được đón nhận ngay, nhất là ở thị trường trong nước người tiêu dùng vẫn quen “xài hàng ngoại nhập”. Vấn đề thứ ba, là các hệ thống siêu thị, nhà phân phối chưa sẵn sàng đón nhận những mặt hàng mới do họ cho rằng phải mất thời gian làm thị trường.
Tạo khác biệt để thay đổi “gu” của khách hàng
Mặc dù thị trường có nhiều cạnh tranh song điều này không có nghĩa là những thương hiệu mới không thể “chen chân”. Là thương hiệu mới gia nhập thị trường gần 2 năm, ông Lê Hữu Nghĩa - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lê Thành, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH nước giải khát cà phê LEKOFE- chia sẻ: Nhận thấy thị trường cà phê nội địa có tiềm năng lớn và hiện số lượng doanh nghiệp đầu tư bài bản mới chỉ chiếm 25% thị phần nên chúng tôi quyết định tham gia sân chơi này. So với các nhãn hàng đã có tên tuổi thì LEKOFE là nhãn hàng hoàn toàn mới và cũng là lĩnh vực mới mà chúng tôi tham gia kinh doanh.
Tuy là “tân binh” song ông Nghĩa tin tưởng nhãn hàng LEKOFE sẽ có chỗ đứng trên thị trường bởi công ty xác định kinh doanh bài bản, đặt yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu. Theo đó, doanh nghiệp này đã đầu tư toàn bộ chuỗi giá trị từ nhà máy, dây chuyền sản xuất, đóng gói cho tới chuỗi phân phối khép kín. “Cà phê do chúng tôi sản xuất sẽ không đi riêng lẻ mà phát triển theo hệ sinh thái chung của Tập đoàn Lê Thành, bao gồm nhà hàng, khách sạn cũng như các điểm kinh doanh mà Lê Thành đang sở hữu”- ông Nghĩa cho biết.
Trong khi đó với thương hiệu cà phê Meet More của Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu, theo ông Nguyễn Ngọc Luận, nắm bắt xu hướng tiêu dùng của giới trẻ là yếu tố chính để doanh nghiệp này đưa ra các sản phẩm chế biến kết hợp giữa cà phê nguyên chất và các loại trái cây, nông sản Việt Nam.
Tham gia các hội chợ để giới thiệu sản phẩm rộng rãi tới người tiêu dùng là chiến lược mà Meet More đang thực hiện |
Theo đó, Meet More hiện có một số vị đặc trưng đang được khách hàng nội địa ưa chuộng như khoai môn, bạc hà, nhàu, xoài, dừa. Trong tương lai, thương hiệu này hướng đến 63 vị đặc trưng cho các loại nông sản ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, như thanh long Bình Thuận, xoài Tiền Giang…
“Meet More có lợi thế đã xuất khẩu đến những thị trường quốc tế khó tính như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… - tức là đã đánh vòng ngoài khá thành công. Khi đã thành công ở quốc tế, doanh nghiệp dùng chính những kinh nghiệm này để quay về chinh phục nội địa, đồng thời thực hiện chiến lược xây dựng sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu của Meet More”- ông Luận cho biết thêm.
Cũng theo ông Luận, ngoài việc phát triển đa dạng các dòng sản phẩm, doanh nghiệp này còn tham gia các hội chợ, triển lãm tại nội địa để giới thiệu, quảng bá thương hiệu tới người tiêu dùng. Điển hình là đầu tháng 3 vừa qua Meet More đã Ngày hội tôn vinh cà phê Việt 2023 tại TP. Hồ Chí Minh. Tại chương trình này, gian hàng của Meet More được người tiêu dùng đón nhận tích cực- cho thấy hướng đi tại thị trường nội địa của doanh nghiệp đang đúng.
Theo các doanh nghiệp, thị trường cà phê sẽ ngày càng cạnh tranh hơn và chỉ những thương hiệu có đầu tư bài bản, có sự khác biệt trong sản phẩm mới cũng như am hiểu gu uống cà phê của người Việt thì mới chinh phục được khách hàng.