Những cuộc hôn nhân nhiều hệ lụy
Đang học dở lớp 8, Mùa Thị Sinh (dân tộc Mông, xã Bát Đại Sơn, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) nghỉ học ở nhà lấy chồng. Một năm sau Sinh đón đứa con đầu lòng khi chưa đầy 16 tuổi. Không riêng Sinh mà nhiều người bạn của Sinh cũng lấy chồng từ khi chưa đủ 18 tuổi. Có những em còn lấy chính người anh, em họ hàng cùng chung huyết thống với mình.
Lấy chồng sớm, mang thai và sinh đẻ khi ở tuổi chưa thành niên, thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết… nên Sinh rất vất vả khi nuôi con. Em bé còi cọc, còn Sinh thì hom hem, trông già hơn nhiều so với tuổi 16 – cái tuổi lẽ ra phải rực rỡ nhất. Nhiều hôm địu con trên lưng, đi qua cổng trường nơi có các bạn cùng trang lứa đang theo học, Sinh không khỏi đượm buồn…
Trẻ em gái người DTTS - đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ tảo hôn và hôn nhân cận huyết |
Chuyện của Sinh không hiếm gặp ở các bản, làng vùng cao, vùng DTTS, khi mà tình trạng nghèo đói dai dẳng đang khiến cho việc tảo hôn trở thành một phương thức đối phó với các biến động xã hội - hôn nhân đồng nghĩa với việc an toàn sinh kế. Các em gái DTTS sau khi kết hôn sẽ trở thành lao động chính trong gia đình nhà chồng và làm hầu hết công việc nội trợ, chăm sóc. “Nhiều DTTS còn quan niệm họ hàng kết hôn với nhau thì của cải cứ “xoay vòng” trong dòng họ, không thoát ra người ngoài” – đại diện Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai chia sẻ khi nói về tình trạng hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.
Bên cạnh đó, nếu như trước kia cha mẹ là người giục con cái kết hôn sớm, thì giờ đây nhiều em kết hôn bất chấp sự phản đối của cha mẹ. “Một số phụ huynh người đồng bào Rắc Lây, đồng bào Chăm ở các xã miền núi của Ninh Thuận nhận ra kết hôn sớm, sinh nhiều con là khổ nên khuyên can con cái, nhưng chính các cháu lại nhất quyết đòi lấy nhau khi chưa đủ tuổi” – bà Pi Năng Thị Thủy – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận nêu ví dụ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do thời gian gần đây, vùng DTTS và miền núi được đầu tư phát triển mạnh hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, internet, trẻ em DTTS tiếp xúc sớm với những thông tin có hại từ internet và bị ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội ở địa phương, nên đua nhau lấy chồng, lấy vợ sớm…
Cần nghiên cứu công phu về tảo hôn, hôn nhân cận huyết
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết rõ ràng để lại nhiều hệ lụy; ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, tác động tiêu cực tới chất lượng dân số và đời sống, hạnh phúc gia đình. Vậy nhưng đến nay, quy định của luật pháp nhằm ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thông qua cấm và xử phạt vẫn chưa thực sự hiệu quả. “Xã có đưa vào quy ước xử phạt, nhưng mức phạt nhẹ quá nên một số cặp sẵn sàng nộp phạt để được kết hôn. Đều là bà con trong xã cả nên việc áp đặt lệnh cấm có thể tạo ra xung đột, nên nhiều khi khuyên can không được, cán bộ xã, thôn chỉ còn cách từ chối không tham dự đám cưới” - anh Thào Mí Quả - Phó Chủ tịch UBND, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiền hôn nhân xã Bát Đại Sơn (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) bức xúc.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thực tế là những vấn đề chịu ảnh hưởng nặng nề vào bối cảnh lịch sử và các thay đổi trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội - không chỉ đơn thuần là vấn đề xã hội mà còn đi kèm với văn hóa của các DTTS. Nói cách khác, văn hóa DTTS là yếu tố không nhỏ góp phần vào việc gia tăng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Điều này lý giải vì sao Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” đã thực hiện được 5 năm mà tảo hôn và hôn nhân cận huyết mới giảm được 1%/năm; trong khi mục tiêu của đề án là giảm từ 2 - 3%/năm.
Theo đó, để quá trình thực hiện Đề án trong 5 năm tới được hiệu quả hơn, song song với việc tăng cường kinh phí; nâng cao năng lực cán bộ, công khai các trường hợp vi phạm, tăng số vụ xử lý lưu động... ông Dương Văn Thành – Phó Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho rằng: Cần có một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, công phu đối với những dân tộc, địa phương có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở tìm ra những biện pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả mục tiêu Đề án trong giai đoạn tới.