Tạo cơ sở pháp lý phát triển nhanh, bền vững KH&CN
Thực hiện Quyết định số 1372/QĐ-TTg ngày 13/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), trình Chính phủ vào tháng 2/2025 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2025.
![]() |
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập về Luật KH,CN&ĐMST |
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ KH&CN đã khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật KH,CN&ĐMST tại Quyết định số 3098/QĐ-BKHCN ngày 27/11/2024.
Tại Phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập về Luật KHCN&ĐMST do Bộ KH&CN chủ trì ngày 25/12/2024, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt - Trưởng ban soạn thảo dự án Luật cho biết, trong giai đoạn hiện nay, công tác hoàn thiện thể chế là một nhiệm vụ trọng tâm đang được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo để tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực để phát triển đất nước.
Theo đó, Tổng Bí thư đã chỉ đạo: Cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành.
Khẳng định hiện nay, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang phát triển rất mạnh mẽ, có vai trò ngày càng quan trọng, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu, ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Ngay phần đầu Nghị quyết đã nhấn mạnh: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
"Thực tiễn nêu trên đặt ra trách nhiệm to lớn của Ban soạn thảo, Tổ biên tập khi nội dung của Luật KH,CN&ĐMST cần bám sát, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với các quy định mạnh mẽ, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và tiến gần tới thông lệ quốc tế" - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh, việc xây dựng Luật KH,CN&ĐMST cần dựa trên các quan điểm sau: Một là, mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, đóng góp ngày càng hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hai là, tinh gọn bộ máy để tập trung đầu tư nâng cao năng lực của các tổ chức KH&CN, tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập; thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho KH,CN&ĐMST; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo, nhất là trong hoạt động quản lý nhà nước; nâng cao tính minh bạch, đạo đức và liêm chính trong hoạt động KH&CN.
Ba là, tiếp tục kế thừa các quy định của Luật KH&CN năm 2013 còn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với thực tiễn phát triển KH&CN của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Theo thông tin tại cuộc họp, mục đích xây dựng Luật KH,CN&ĐMST để tác động một cách tích cực, hiệu lực và hiệu quả tới các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ theo cách tiếp cận toàn diện của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy cả ba chức năng tạo ra tri thức, ứng dụng tri thức và truyền bá tri thức mạnh mẽ hơn trong đời sống xã hội và đóng góp cho nhân loại.
Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đưa KH,CN&ĐMST thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đạt mục tiêu kép của quốc gia vào năm 2030 và 2045 như Đại hội XIII đã đề ra.
Quan điểm xây dựng Luật KH,CN&ĐMST nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH,CN&ĐMST; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST. Đồng thời, kế thừa các quy định của Luật KH&CN 2013 còn phù hợp với thực tiễn phát triển; ban hành các chính sách mới thông qua các quy định cụ thể, tạo cơ sở pháp lý để phát triển nhanh, bền vững KH&CN, bắt kịp với sự phát triển KH&CN của thế giới...
Nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung
Về nội dung cơ bản của dự thảo Luật KH,CN&ĐMST, bên cạnh những nội dung chính, quan trọng được kế thừa từ Luật KH&CN 2013 như: Quy định về cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, hội nhập quốc tế về KH&CN, giải thưởng về KH&CN, thì dự thảo Luật còn gồm các nội dung được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ.
![]() |
Xây dựng Luật KH,CN&ĐMST để tác động một cách tích cực, hiệu lực và hiệu quả tới các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ |
Cụ thể, đối với tổ chức KH&CN: Bổ sung quy định làm rõ hệ thống tổ chức KH&CN, bao gồm: tổ chức nghiên cứu và phát triển; cơ sở giáo dục đại học đăng ký là tổ chức KH&CN; các doanh nghiệp có hoạt động chủ yếu là nghiên cứu và phát triển; hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức KH&CN; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức KH&CN.
Bỏ quy định đăng ký hoạt động KH&CN đối với tất cả các tổ chức, thay vào đó chỉ quy định về việc thành lập và đăng ký hoạt động đối với tổ chức nghiên cứu và phát triển. Trên cơ sở đó, Nhà nước có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đầu tư để nâng cao năng lực cho tổ chức nghiên cứu và phát triển; đánh giá kết quả hoạt động để cấp kinh phí; tạo điều kiện hình thành các tổ chức nghiên cứu mạnh và giải thể, sáp nhập các tổ chức hoạt động không hiệu quả theo đúng chủ trương tinh gọn, tổ chức, bộ máy tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Mặt khác, bổ sung quy định về tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt hoạt động trong các lĩnh vực nhà nước ưu tiên đầu tư; bổ sung quy định về cơ chế tự chủ đối với tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập. Bổ sung nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; bổ sung quy định về đạo đức nghiên cứu và trách nhiệm của các tổ chức nghiên cứu và phát triển phải ban hành và thực thi các quy định về đạo đức khoa học.
Đối với nhân lực KH,CN&ĐMST: Mở rộng nhân lực hoạt động KH,CN&ĐMST không chỉ bao gồm nhân lực trong các tổ chức KH&CN công lập mà còn bao gồm: Học viên thạc sĩ nghiên cứu, nghiên cứu sinh, nghiên cứu viên sau tiến sĩ; cá nhân quản lý hoạt động KH,CN&ĐMST trong các cơ quan quản lý nhà nước; cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong trong doanh nghiệp; cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ độc lập hoặc trong các tổ chức khác.
Đồng thời, quy định các chính sách ưu đãi phù hợp với từng đối tượng nhân lực hoạt động KH,CN&ĐMST. Bổ sung quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức KH&CN công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên tạo ra; định kỳ được cử sang làm việc tại các tổ chức nghiên cứu và phát triển, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và các tổ chức khác trong một thời gian nhất định để trao đổi học thuật, nâng cao năng lực, nắm bắt nhu cầu công nghệ.
Trong thời gian làm việc ở các tổ chức này vẫn được giữ nguyên chế độ lương, quy hoạch, bổ nhiệm, thi đua khen thưởng tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Đây là quy định có tính đột phá nhằm thúc đẩy liên kết giữa khu vực nghiên cứu với doanh nghiệp để giúp nâng cao trình độ của doanh nghiệp, gắn nghiên cứu với thực tiễn và thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Đối với quản lý chương trình, nhiệm vụ KH&CN, dự thảo Luật nêu rõ: Đơn giản hóa các bước phê duyệt nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, giảm thời gian phê duyệt nhiệm vụ (đề xuất, xác định, tuyển chọn…) theo hướng giảm tải thời gian xét duyệt, yêu cầu, hồ sơ. Làm rõ, đổi mới cách thức triển khai theo hai phương thức: Do Nhà nước đặt hàng và do tổ chức, cá nhân đề xuất để có cơ chế giao kết quả phù hợp, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, quy định rõ hai nội dung chương trình KH&CN và nhiệm vụ KH&CN. Làm rõ các loại nhiệm vụ KH&CN và kết quả của từng loại nhiệm vụ KH&CN; bổ sung quy định về cụm nhiệm vụ KH&CN, chuỗi nhiệm vụ KH&CN, cách thức xét chọn nhiệm vụ để triển khai một nội dung nghiên cứu trong một giai đoạn gắn với kết quả đầu ra.
Bổ sung quy định về đánh giá chương trình KH&CN, nhiệm vụ KH&CN; chủ thể thực hiện đánh giá; trách nhiệm của tổ chức chủ trì, bộ, ngành, địa phương, cơ quan quản lý chương trình nhiệm vụ KH&CN; thời điểm đánh giá và việc sử dụng kết quả đánh giá. Bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo hành lang pháp lý thử nghiệm các công nghệ mới mà pháp luật chưa có quy định hoặc cấm thử nghiệm. Đơn giản hóa quy định về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Về đầu tư và tài chính phục vụ phát triển KH,CN&ĐMST: Bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển KH,CN&ĐSMT của quốc gia làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch KH,CN&ĐMST hằng năm, bao gồm cả kinh phí dự phòng cho nhiệm vụ KH&CN trong tình huống đột xuất, khẩn cấp.
Hoàn thiện quy định về lập dự toán, cấp, sử dụng, quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN từ ngân sách nhà nước. Sửa đổi các nội dung chi ngân sách nhà nước cho phù hợp với thực tiễn; làm rõ các nội dung chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp KH&CN.
Sửa đổi quy định về thực hiện cơ chế khoán chi trong triển khai nhiệm vụ KH&CN. Hoàn thiện quy định thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho hoạt động KH,CN&ĐMST. Hoàn thiện quy định về Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, quỹ phát triển KH&CN của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác thuộc Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù hoạt động tài trợ của Quỹ.
Bổ sung về nguyên tắc chính sách thuế đối với hoạt động KH,CN&ĐMST để làm căn cứ đề xuất các ưu đãi cụ thể trong các luật về thuế. Bổ sung chính sách tín dụng đối với hoạt động KH,CN&ĐMST.
Dự thảo Luật cũng hoàn thiện quy định về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển. Cụ thể, mở rộng quy định về giao quyền sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ, trừ một số trường hợp đặc biệt để tạo điều kiện cho tổ chức chủ trì tiếp tục đầu tư, hoàn thiện kết quả và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Quy định này sẽ tháo gỡ nút thắt trong việc định giá trước khi giao quyền trong các quy định hiện nay.
Hoàn thiện các quy định sử dụng lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, bổ sung quy định thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp: Làm rõ các hoạt động nghiên cứu, phát triển trong doanh nghiệp và các nội dung chi cho hoạt động nghiên cứu, phát triển của doanh nghiệp. Bổ sung chính sách khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá thông qua quy định được quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực KH&CN xem xét tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn.
Bổ sung quy định Nhà nước ưu tiên mua các sản phẩm là kết quả của các hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp. Bổ sung quy định thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên cơ sở khai thác kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể.
Bổ sung quy định về hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; chính sách đối với trung tâm ĐMST xuất sắc; luật hóa quy định về quản lý nhà nước đối với chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia, chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh; hoàn thiện quy định về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST...
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&CN cho biết: Theo Nghị quyết số 55/2024/UBTVQH15 ngày 28/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật KHCN&ĐMST sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025). |
(Còn nữa)