Vĩnh Phúc: Quý I, thu hút đầu tư nước ngoài tăng 98,59% Vĩnh Phúc: IIP phục hồi tích cực, sản xuất linh kiện điện tử tăng 26,86% |
Tăng trưởng chưa ổn định và thiếu bền vững
Theo ông Hoàng Xuân Phú – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng 16,61% so với cùng kỳ năm 2023, tăng 17,62% so với tháng trước.
Trong đó, ngành khai khoáng duy trì ổn định so với cùng kỳ, tăng 12,9% so với tháng trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,71% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 17,86% so với tháng trước; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 5,65% so với cùng kỳ 2023, tăng 0,26% so với tháng trước; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8% so với cùng kỳ, giảm 6,77% so với tháng trước.
Nhu cầu thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy giảm, làm ảnh hưởng đến sự phục hồi của ngành công nghiệp Vĩnh Phúc |
Mặc dù tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn có sự phục hồi, song theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc: Trong bối cảnh thương mại toàn cầu phục hồi chậm, lãi suất tăng cao, đầu tư và tiêu dùng suy giảm, các doanh nghiệp khó tiếp cận được những đơn hàng lớn và dài hạn nên sản xuất của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thật sự ổn định và bền vững.
Trước đó, báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn những tháng đầu năm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, tạo áp lực lên kiểm soát lạm phát, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của lãi suất huy động. Trong khi đó, nhu cầu thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của nước ta lại tiếp tục suy giảm… làm ảnh hưởng đến sự phục hồi của ngành công nghiệp Vĩnh Phúc.
Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đang khan hiếm đơn hàng xuất khẩu, phần lớn nằm ở các nhóm doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử và sản xuất, lắp ráp linh kiện cho ngành sản xuất ô tô, xe máy. Đơn hàng không ổn định, kéo theo việc nhân lực luôn thay đổi đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm của một số doanh nghiệp.
Vĩnh Phúc đưa ra nhiều giải pháp gỡ khó cho sản xuất công nghiệp từ nay đến cuối năm (Ảnh minh họa: T.D) |
Nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo bứt phá cho sản xuất công nghiệp những tháng tới đây, đại diện Sở Công Thương Vĩnh Phúc cho biết, Sở Công Thương địa phương sẽ tổng hợp tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh và tham gia thẩm tra các dự án công nghiệp theo quy định. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp theo kế hoạch. Cùng với đó, tăng cường công tác nắm bắt theo dõi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kinh doanh hạ tầng khu cụm công nghiệp trên địa bàn, thực hiện các thủ tục thành lập và giao lưu chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp.
Còn theo đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội trong năm 2024 nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng, Vĩnh Phúc sẽ tăng cường xử lý các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm sinh kế cho người dân. Kiên quyết thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đề ra, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế và sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Thường xuyên theo dõi để đảm bảo tiến độ thu ngân sách, thực hiện tốt công tác đăng ký thuế, kiểm tra, giám sát kê khai, nộp thuế, miễn, giảm, gia hạn của người nộp thuế. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có nguồn lực hồi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp và khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, giữ ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng và các hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tăng cường kiểm tra, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng theo quy định, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế. Nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất công nghiệp.
Vĩnh Phúc cũng cho biết, sẽ tổ chức thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2022-2026, Nghị quyết về phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đến năm 2030 và quy chế quản lý cụm công nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp.