Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” Tăng năng suất lao động phải dựa vào kinh tế số Bài 1: Năng suất lao động của Việt Nam đứng ở đâu? |
Năng suất lao động tại Việt Nam có thực sự quá thấp?
Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo một số bộ ngành và đông đảo công nhân lao động tham dự diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”.
Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo một số bộ ngành tham dự diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” |
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: Những năm qua, Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan tới việc làm, thu nhập, đời sống, an ninh, an toàn của công nhân lao động...
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược, chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng, triển khai Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước giai đoạn năm 2019-2023” đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu |
Tham luận tại diễn đàn, TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương - cho biết, năng suất lao động quốc gia là thước đo hoạt động kinh tế của một quốc gia, tính toán so sánh lượng giá trị gia tăng được tạo ra tính trên một đầu vào lao động. Theo nghĩa đó, năng suất lao động được tính bằng GDP chia cho số lao động có việc làm trong năm.
TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương |
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD 2017 theo ngang giá sức mua PPP là 20.400 USD, chỉ bằng 11,4% so với Singapore, 35,4% so với Malaysia, 64,4% so với Thái Lan, 79% so với Indonesia…
Nhìn vào con số này thì năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, nhưng nhìn kỹ vào cơ cấu kinh tế Việt Nam thì phần lớn người lao động Việt Nam làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình. Số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022. Mặc dù vậy số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế (khu vực tư nhân tạo ra khoảng 10%, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra khoảng 20,14% và khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra khoảng 29% GDP).
“Với con số này thì năng suất lao động của người lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bằng khoảng 30% năng suất lao động của người lao động trong các doanh nghiệp Singapore chứ không phải 11,4% như ban đầu”, TS. Nguyễn Tú Anh phân tích.
Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho biết thêm, trong giai đoạn 2018-2022 mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn tăng bình quân 7,06%/năm.
Ngành chế biến chế tạo có tỷ trọng lao động lớn (chiếm 23,25%) đóng vai trò như trung vị của năng suất lao động cả nước. Đây chính là ngành động lực thúc đẩy năng suất lao động của cả nước. 66,5% lao động nằm trong các ngành có năng suất lao động thấp hơn bình quân cả nước.
Đặc biệt ngành nông - lâm - thủy sản có năng suất lao động chỉ bằng 39,73% năng suất lao động bình quân cả nước nhưng có số lao động chiếm 27,54% tổng lao động có việc làm. Ngành bán buôn bán lẻ sửa chữa xe có động cơ cũng là nơi tạo việc làm tới 15,6% nhưng năng suất lao động chỉ bằng 57% mức bình quân cả nước.
"Như vậy chúng ta vẫn còn nhiều dư địa để tăng năng suất lao động bằng việc dịch chuyển lao động từ khu vực dư thừa lao động, có năng suất lao động thấp sang những ngành có năng suất lao động cao hơn, đang thiếu lao động như Truyền thông thông tin, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, nghệ thuật vui chơi giải trí, công nghiệp chế biến chế tạo'', TS. Nguyễn Tú Anh nêu quan điểm.
Giải pháp cho vấn đề
Trước thực tiễn hiện nay, TS. Nguyễn Tú Anh kiến nghị, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, tri thức, lao động, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước để phát triển nhanh hơn số lượng doanh nghiệp mà tăng quy mô của doanh nghiệp.
Trọng tâm của chính sách kinh tế trong giai đoạn 2021-2030 nên tập trung vào ngành chế biến chế tạo, vì đây là khu vực động lực thúc đẩy năng suất lao động cả nền kinh tế. Chỉ khi năng suất lao động của ngành chế biến chế tạo tăng lên thì mới có thu nhập tăng thêm để chi tiêu cho ngành dịch vụ qua đó làm tăng năng suất lao động ngành dịch vụ, hay nói cách khác năng suất lao động ngành dịch vụ là phái sinh theo sau ngành chế biến chế tạo…
Chị Phùng Thị Hạnh - Công nhân Cụm ráp 2, Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội, Tổng Công ty May 10 |
Từ thực tiễn công việc, chị Phùng Thị Hạnh - Công nhân Cụm ráp 2, Xí nghiệp sơ mi Hà Nội, Tổng công ty May 10 - chia sẻ: Từ khi là một công nhân mới, chị luôn ý thức mình cần phải quan sát và học hỏi mỗi ngày, lúc nào cũng đau đáu suy nghĩ “Làm thế nào để tăng năng suất, làm thế nào để tay nghề ngày càng nhanh hơn?”. Vì vậy, bước đầu, chị học hỏi từ đồng nghiệp, từ những người quản lý, học cách kiểm soát thời gian với mục tiêu năng suất giờ sau phải tăng hơn giờ trước ít nhất 5%. Kết quả, sau hơn một năm làm việc, chị đã là người dẫn đầu về năng suất tại đơn vị, với 1.400 sản phẩm/ngày, đạt 150% so với đồng nghiệp cùng công đoạn.
Anh Mai Thiên Ân - Trưởng phòng Sản xuất, Công ty TNHH Intel Products (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ: Doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu đòi hỏi người lao động phải có trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng mềm và ý thức lao động tốt. Người lao động muốn nâng cao thu nhập cho bản thân phải có kỹ năng nghề nghiệp, thái độ, ý thức và tác phong tốt. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay vẫn còn nhiều người lao động chưa thực sự quan tâm và đặt việc rèn luyện, nâng cao ý thức, tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp lên hàng đầu.
Đứng ở góc độ công đoàn, bà Trương Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - cho hay, được làm việc tại doanh nghiệp có máy móc, trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, mỗi người lao động BSR luôn đặt cho mình mục tiêu cao hơn, luôn học hỏi, nghiên cứu sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa trong từng công việc và ý thức sâu sắc rằng, chỉ có lao động sáng tạo, để mỗi ngày mình tốt hơn mình hôm qua.
Hoạt động sáng kiến cải tiến đã thật sự là đòn bẩy mà qua đó mỗi người lao động có thể phát huy mọi tiềm năng bản thân, bứt phá bằng trí tuệ, bản lĩnh của mỗi người lao động để tham gia thúc đẩy sự phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và là động lực phát triển BSR trên chặng đường mới với “Khát vọng tiên phong”.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Honda Việt Nam ông Phan Tuấn Anh cho biết, sự thành công của Honda Việt Nam hôm nay là quá trình phát triển và duy trì văn hóa doanh nghiệp lâu dài và bền vững dựa vào 3 triết lý: Niềm tin cơ bản, tôn chỉ công ty và chính sách quản lý. Văn hóa doanh nghiệp khuyến khích người lao động nỗ lực, chủ động, mơ ước, sáng tạo, cởi mở, thẳng thắn, nhiệt tình, ứng xử công bằng, tin tưởng lẫn nhau, sử dụng thời gian hiệu quả, xây dựng tác phong làm việc khoa học. Việc duy trì văn hóa doanh nghiệp, luôn đặt người lao động ở vị trí trung tâm, quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đã, đang và sẽ tạo động lực để người lao động nỗ lực đóng góp, nâng cao hiệu suất lao động…
Đông đảo đoàn viên, người lao động tham dự diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” |
Tại diễn đàn này, anh Phan Tuấn Anh kiến nghị, cần có quy định, chế tài cụ thể về việc xử lý người sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ các quy định dân chủ tại doanh nghiệp. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tăng cường tổ chức các diễn đàn, hội nghị, chuyên đề chuyên sâu để công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động tham gia chia sẻ những khó khăn và trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng môi trường làm việc an toàn, xây dựng quy chế dân chủ và văn hóa doanh nghiệp.
Nhân diễn đàn người lao động năm nay, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa 2 bên năm 2024, trọng tâm phối hợp công tác năm 2024 và một số kiến nghị của Tổng Liên đoàn với Thủ tướng Chính phủ. |