Tác động tích cực từ EVFTA
Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) - Hiệp định EVFTA có hiệu lực trong bối cảnh đặc biệt nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nhờ các thuận lợi từ Hiệp định đã giúp tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá của Việt NAm sang thị trường EU rất tích cực. Đồng thời, việc thực hiện các cam kết của Hiệp định với tiêu chuẩn cao cũng đang tạo ra động lực đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo đó, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng rất mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên.
Tại toạ đàm “Tăng kết nối hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng Hiệp định EVFTA” do Báo Công Thương tổ chức ngày 20/12, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương đánh giá, kim ngạch xuất khẩu rất tích cực, nhiều mặt hàng xuất khẩu sang thị trường EU tăng hai chỉ số là một kết quả rất đáng khích lệ ngay sau khi EVFTA được thực thi.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng chỉ ra, thị trường EU không phải là thị trường mới của Việt Nam, điểm mới ở đây, theo vị chuyên gia này chính là kể từ tháng 8/2020, khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu Việt Nam đã tăng trưởng dương ngay khi 6 tháng trước đó đang tăng trưởng âm. Đây là chuyển biến rất ấn tượng nhờ chúng ta tận dụng các ưu đãi từ EVFTA . “Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang EU tăng trưởng đạt trên 30%, so với với nhiều FTA khác, thì tỷ lệ tận dụng này không phải là nhỏ mà quan trọng là tốc độ thay đổi tỷ lệ tận dụng EVFTA nhanh nhất”- ông Thành nhấn mạnh.
Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội chia sẻ, Hiệp định EVFTA có hiệu lực trong bối cảnh rất đặc biệt ngay thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, vượt ra ngoài dự liệu của các Bộ Công Thương. Và bối cảnh mới chỉ bình thường hoá được 1 năm, dù vậy, chỉ trong 1 khoảng thời gian ngắn có một số mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu sau thị trường EU rất tốt cho thấy tác động tích cực của hiệp định này.
Một vấn đề nữa, theo ông Tô Hoài Nam, do Việt Nam phê chuẩn Hiệp định trước EU nên doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu thiết bị máy móc từ khu vực EU sản xuất ra. “Nếu so sánh với trước đây, chúng ta nhập khẩu thiết bị chất lượng không tốt lắm nay nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA nên được tiếp cận với hàng hoá có chất lượng tốt”- ông Nam cho hay.
Là một trong những doanh nghiệp rất chủ động và tích cực mở rộng thị trường quốc tế trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, kể từ năm 1997-1998, Công ty TNHH Đổi mới đã xuất khẩu trực tiếp sang thị trường EU từ năm 1997-1998. Ông Đoàn Lan – Tổng giám đốc Công ty TNHH Đổi mới cho biết, giai đoạn này hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp rất khó khăn, do doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa nên gặp khó khăn về vốn, mặt bằng, nhất là kiểm định chất lượng từ thị trường nhập khẩu. "Khi đó các điều kiện, tiêu chí của Việt Nam rất khó được đối tác chấp nhận"- ông Lan nói.
Tuy vậy, ông Đoàn Lan chia sẻ, mấy năm gần đây nhờ nhiều chính sách của nhà nước, nhất là Hiệp định EVFTA là điều kiện rất tốt cho xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ thuận lợi. Theo ông Đoàn Lan, có Hiệp định EVFTA, không chỉ bản thân doanh nghiệp ông mà nhiều doanh nghiệp khác được hưởng nhiều ưu đãi, có điều kiện phát triển rất tốt nhất là trong năm 2021- có thể nói là điểm sáng của ngành.
Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương |
Nhưng nhìn tổng thể trên cơ ở cơ hội từ EVFTA, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, nếu nhìn tổng xuất khẩu chung thì tỷ trọng xuất khẩu sang EU tăng chưa tương xứng và thương hiệu hoá Việt Nam tại EU vẫn còn hạn chế. Điều này cho thấy, dư địa thị trường EU còn rất lớn.
Đồng quan điểm, chuyên gia Võ Trí Thành nói thêm, còn rất nhiều thị trường của EU xuất khẩu của chúng ta chưa có chuyển biến, đặc biệt, mặt hàng có giá trị tốc độ tăng trưởng chưa cao, nhiều mặt hàng chưa tận dụng triệt để các ưu đãi từ EVFTA. “Bên cạnh đó, qua đánh giá của các tổ chức, Bộ ngành vừa qua thì mức độ tận dụng dụng gắn kết thương mại và thu hút đầu tư từ EU vẫn chưa như mong muốn”- ông Thành cho hay.
Còn ông Tô Hoài Nam cho rằng, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam hiện còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia bên ngoài EU, điều này tạo nên thách thức liên quan đến xuất xứ hàng hoá khi chúng ta muốn tiếp cận thị trường EU. "Quy định về xuất xứ hàng hoá, về an toàn vệ sinh đang là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu sang EU, trong đó doanh nghiệp lớn có thể tiếp cận tốt hơn nhưng sẽ rất thách thức với doanh nghiệp nhỏ và vừa”- ông Nam nhấn mạnh.
Điểm nghẽn kết nối
Hiện tỷ lệ doanh nghiệp, địa phương tận dụng hiệu quả EVFTA khiêm tốn, một trong những nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là sự kết nối giữa các chủ thể liên quan bao gồm các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân còn tương đối hạn chế.
Chỉ rõ nguyên nhân khai thác thị trường EU còn hạn chế, ông Ngô Chung Khanh cho hay, ở cấp độ doanh nghiệp hiện nay ngại xuất khẩu sang EU do chưa đủ năng lực vì thiếu vốn, công nghệ; và do yếu tố truyền thông, một số báo cáo làm cho doanh nghẹp e ngại thị trường EU vì đề cập EU là thị trường tiềm năng, lợi ích nhưng có nhiều rào cản kỹ thuật. “Thực tế từ rào cản chưa chính xác, vì chúng ta đều phải xác định chấp nhận rằng xuất khẩu sang EU có thu nhập cao, ít biện pháp phòng vệ thì luôn có tiêu chuẩn cao”- ông Khanh nêu.
Ngoài ra, về các biện pháp hỗ trợ, theo ông Ngô Chung Khanh, trong kế hoạch thực thi Hiệp định của Chính phủ, Bộ ngành… đều có mục quan trọng đó là hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng EVFTA. Thế nhưng, với vai trò cơ quan thực hiện nhiệm vụ thực thi Hiệp định, Bộ Công Thương nhận thấy, hầu hết các tỉnh thành đều có báo cáo biện pháp hỗ trợ, tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ lại chung cho các doanh nghiệp, dẫn tới thực trạng là số doanh nghiệp đang cần tận dụng EVFTA thì chưa chưa chắc nhận được, có doanh nghiệp ở lĩnh vực khác lại nhận được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, theo ông Ngô Chung Khanh, các biện pháp hỗ trợ còn dàn trải, chưa tập trung vào các ngành có thế mạnh và thực sự muốn tận dụng cơ hội từ EVFTA. Đặc biệt, tính kết nối trong chuỗi giá trị còn nhiều bất cập. Chỉ riêng kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp đã bộc lộ nhiều vấn đề.
Lấy ví dụ, ông Ngô Chung Khanh cho hay, tại Hải Phòng, có doanh nghiệp gia công da giày xuất khẩu 1 năm khoảng 200 triệu USD, nhưng nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì thế, khi Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid khiến doanh nghiệp gặp khó về nguyên liệu. Trong khi đó, có một doanh nghiệp xuất khẩu khác khoảng 100 triệu USD nhưng làm thương hiệu và doanh nghiệp này đã chủ động được 90% nguyên liệu, thiết kế và đảm bảo được xuất xứ hàng hoá. “Từ câu chuyện của hai doanh nghiệp cho thấy một thực tế rằng, nếu hai doanh nghiệp kết nối được với nhau thì không phải phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc nữa”- ông Khanh nói.
Đánh giá thêm về điểm nghẽn kết nối, ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, phương thức kinh doanh của thế giới là theo chuỗi, theo đó, kết nối chính là tạo vốn cho doanh nghiệp, ngoài vốn về nguồn lực tài chính thì còn là nguồn vốn về xã hội. Thời gian qua, kết nối doanh nghiệp và doanh nghiệp còn nhiều trực trặc nhưng đã được quan tâm, cải thiện; vai trò kết nối của các Bộ ngành, các thương vụ cũng được thúc đẩy. Tuy vậy, nhiều vấn đề về kết nối về nguyên liệu, xúc tiến thị trường, đặc biệt là dịch vụ bán hàng, phát triển thương hiệu, kênh phân phối của doanh nghiệp chưa thật sự được quan tâm, phát triển.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành |
Cần định hướng chiến lược rõ ràng
Ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh thêm, khi xuất khẩu vào thị trường phát triển, kết nối là điều kiện cần thiết và rất quan trọng nhưng làm thế nào để kết nối và tham gia vào chuỗi giá trị là vấn đề cần quan tâm.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội giao thương rất lớn cho doanh nghiệp trong nước. Để tiếp cận thị trường EU, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã định hướng “dễ làm trước khó làm sau”. Đây là định hướng đúng đắn. Tuy nhiên, khi vào thị trường EU có những điều không thể “dễ làm truóc khó làm sau” mà phải đầu tư bài bản, chú trọng đến sở hữu trí tuệ, quyền của người lao động.
Do đó, chúng ta muốn đứng vững trên thị trường EU, 1 mình doanh nghiệp không làm được mà phải bằng định hướng chiến lược rõ ràng. “Một số nước trong khu vực ASEAN đang tích cực đàm phán với EU, nếu Việt Nam không tận dụng lợi thế của người đi trước, sau này chúng ta sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt. Do vậy, doanh nghiệp cần thiết phải đầu tư theo chiều sâu, dành nguồn lực xứng đáng”- ông Nam khuyến nghị.
Ông Tô Hoài Nam nêu quan điểm, kết nối có hai phương thức đó là theo chiều ngang và chiều dọc. Điều quan trọng ở đây là kết nối theo chiều dọc. Mỗi doanh nghiệp phải đảm nhận tốt phần của mình trong chuỗi cung ứng. Cùng với đó công tác tuyên truyền, các tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp hiện rất khác nhau. Với vai trò chủ trì thực hiện chính sách, kế hoạch thực thi EVFTA, thiết nghĩ ngành Công Thương cần đảm đương được công tác tuyên truyền một cách hiệu quả, phải điều tra, khảo sát một cách khoa học, tỉ mỉ để cung cấp thông tin hữu hiệu nhất cho doanh nghiệp về EVFTA.
“Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ có thiết chế bảo vệ doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia thương mại quốc tế. Cùng đó, Bộ Công Thương cần thiết kế chính sách làm sao tạo động lực lớn hơn nữa cho doanh nghiệp, nhất là giúp họ có động lực chấp nhận chỉ số rủi ro lớn hơn khi bước vào sân chơi kinh tế thế giới”- ông Nam cho biết.
Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) - ông Tô Hoài Nam |
Đặc biệt, trước xu hướng chuyển đổi từ mua sắm truyền thống sang mua sắm thông minh đang tăng trưởng rất nhanh. Vì vậy, ông Tô Hoài Nam cho biết thêm, nếu không điều chỉnh chính sách phù hợp sẽ thua ngay trên sân nhà. Do vậy trước mắt, cần giảm ngay các thủ tục, rào cản phi thuế quan trong xuất nhập khẩu hơn nữa bởi so sánh với các nước xung quanh, chi phí về thời gian, tiền bạc của chúng ta vẫn cao hơn.
Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, theo ông Tô Hoài Nam, tổ chức này sẽ nỗ lực huy động các nguồn lực để hỗ trợ đào tạo nhân lực, thông tin thị trường, tăng sự kết nối kinh doanh cho doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường EU.
Từ thực tế kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp, ông Đoàn Lan cho biết, những năm 1998-1999 khi tìm kiếm thị trường, bản than doanh nghiệp đã được sự hỗ trợ rất lớn của Việt kiều Việt Nam tại nước ngoài. Đó chính là sự kết nối. Ngày nay, kết nối dễ dàng hơn rất nhiều, với sự phát triển của công nghệ 4.0 thế giới hiện là 1 mặt phẳng. Do vậy, Chính phủ nên giao cho Bộ Công Thương xây dựng 1 đề án và làm đầu mối chính thống tạo mạng lưới kết nối các doanh nghiệp Việt Nam. “Để doanh nghiệp từ vùng sâu, xa và doanh nghiệp khắp nơi trên cả nước cùng kết nối trên 1 mạng thống nhất”- ông Lan mong muốn.
Ông Đoàn Lan – Tổng giám đốc Công ty TNHH Đổi mới |
Xây dựng bổ chỉ số FTA Index
Theo ông Ngô Chung Khanh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Cổng thông tin về FTA đã được xây dựng và triển khai. Tuy nhiên, làm thế nào để có đầy đủ thông tin, cung cấp được thông tin về từng lĩnh vực, ngành hàng mà doanh nghiệp cần thì cần thêm thời gian, nguồn lực.
Ngoài ra, từ thực tế tận dụng EVFTA của doanh nghiệp, vì nguồn lực hỗ trợ có hạn, do vậy, ông Ngô Chung Khanh đề xuất, mỗi địa phương xác định một đến hai mặt hàng trọng tâm để xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ, kết nối, để chúng ta tối đa hoá được lợi ích của Hiệp định EVFTA.
Bên cạnh đó, hiện Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hàng năm của các địa phương (FTA Index), đồng thời giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Đề án.
Ông Ngô Chung Khanh cho biết, thống kê hiện nay mới có hơn 38/63 tỉnh thành có ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy, FTA Index được xây dựng với mong muốn tạo ra sự cạnh tranh giữa các địa phương, giúp cho các tỉnh, thành thay đổi tư duy, thay đổi cách làm, vào cuộc hỗ trợ tích cực hơn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tận dụng các FTA.
Hiện nay Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành thành lập một tổ công tác liên ngành gồm đại diện các bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, thành. Tổ công tác này sẽ nghiên cứu phương pháp điều tra, phương pháp tính toán, xây dựng chỉ số như thế nào cho chính xác và công bằng, khách quan, thể hiện được một cách rõ ràng những nỗ lực mà các tỉnh, thành đã và đang làm.
"Bên cạnh việc xây dựng Tổ công tác, chúng tôi cũng bắt tay vào việc chuẩn bị các dữ liệu cũng như phương pháp cần thiết để làm sao khi Tổ công tác được thành lập chúng tôi có điều kiện đưa ra và bắt đầu Tổ công tác họp, trao đổi để có được phương pháp luận trong thời gian sớm nhất"- ông Khanh thông tin.
Với kế hoạch đề ra, dự kiến khi FTA Index triển khai, Bộ Công Thương sẽ tiến hành tuyên truyền cho địa phương, doanh nghiệp để có bộ chỉ số, để phối hợp chặt chẽ, để có kết quả tốt nhất, để doanh nghiệp biết rằng có công cụ để đề đạt tiếng nói, nguyện vọng của mình nhằm gia tăng cơ hội khai thác, tận dụng hiệu quả các FTA.
Đánh giá cao về đề án xây dựng FTA Index, theo ông Võ Trí Thành, FTA Index không chỉ là kênh để nêu bất cập mà đây là cách để khích lệ cũng như để các địa phương nhìn vào hạn chế, khiếm khuyết và nhìn thấy vấn đề nào cần tập trung, ưu tiên thực hiện trong hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. "Cùng với đó, để bộ chỉ số thật sự hữu ích, mang lại những tác động tích cực, Bộ Công Thương cần phải đánh giá, cập nhật thường xuyên dựa trên đánh giá tác động, các bước hoàn thiện của các địa phương trong kế hoạch hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư"- ông Thành cho hay.