Kinh tế hợp tác, HTX giữ vai trò quan trọng
Theo Liên minh HTX Việt Nam, tính đến hết ngày 30/6/2019, cả nước đã thành lập mới được 1.024 HTX, 1 liên hiệp HTX và 2.689 tổ hợp tác (THT); đạt 41% và 44% kế hoạch năm 2019 đặt ra tại Nghị quyết số 09/NQ-LMHTX ngày 20/1/2019, nâng tổng số HTX hoạt động trên cả nước là 23.280 HTX; 75 liên hiệp HTX và 104.861 THT, với gần 900.000 thành viên mới tham gia HTX, THT.
Hiện nay, cả nước có 23.280 HTX, trong đó có hơn 50% là HTX nông nghiệp, 2.323 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 1.996 HTX thương mại, dịch vụ; 1.392 HTX vận tải; 894 HTX xây dựng; 1.180 quỹ tín dụng nhân dân (TDND); gần 1.000 HTX môi trường và lĩnh vực khác, với gần 8 triệu thành viên, trực tiếp tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hơn 30 triệu người.
“Với sự tham gia của gần 8 triệu thành viên và giải quyết việc làm cho 30 triệu lao động; hằng năm đóng góp cho tăng trưởng kinh tế khoảng 10%... kinh tế hợp tác, HTX tiếp tục được khẳng định là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân” – ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thịnh cũng nhận định, năng lực quản trị của các HTX có nhiều tiến bộ, quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động của HTX tăng so với năm trước. Các HTX không chỉ giảm chi phí sản xuất của các hộ gia đình thành viên mà còn làm tăng thêm giá trị thu nhập 14%/năm. Hầu hết các HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012. Nhiều địa phương, HTX đang trở thành loại hình phổ biến, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tổ chức sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, vận tải đường bộ.
Các địa phương cũng đã xử lý dứt điểm những HTX hoạt động yếu kém. Theo đó, đã giải thể được 3.600 đơn vị, chỉ còn khoảng 600 HTX yếu kém đang đợi giải thể hoặc cải tổ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các HTX cũng được đánh giá đã mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho thành viên, có sản lượng hàng hóa lớn đưa ra thị trường, quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, ký kết hợp đồng tiêu thụ với giá bán có lãi, tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. HTX ở các địa phương đóng góp tích cực cho kinh tế tăng trưởng bền vững, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, cải thiện môi trường và phát triển tổ chức chính trị xã hội.
Về phía các HTX, ông Chu Văn Hoà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Đan Phượng chia sẻ, mặc dù các HTX sản xuất trong cơ chế thị trường nhưng hầu hết lại không biết nhu cầu thị trường là gì; năng suất tăng liên tục nhưng thu nhập tăng thấp; giá đầu vào cao nhưng giá đầu ra thấp; thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận xuất xứ nhưng chưa làm được; mất mùa giá cao – được mùa giá thấp… Người dân đang làm ra cái mình có, chưa làm được cái thị trường cần chính là điểm yếu của một số HTX và thành viên hiện nay.
Nguyên nhân là do việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bản chất HTX; hướng dẫn, tư vấn cho các HTX nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các HTX còn hạn chế… Hơn nữa, nhiều HTX còn gặp khó khăn về tiếp cận vốn vay, cơ sở vật chất, đất sản xuất, đất làm nhà xưởng, trụ sở.
Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ
Ông Hoàng Minh Chiến phát biểu tại tọa đàm |
Cũng tại tọa đàm, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2011 đến nay, Liên minh HTX Việt Nam đã làm đơn vị chủ trì thực hiện 10 đề án trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí được phê duyệt khoảng 16,29 tỷ đồng. Các chương trình này đã hỗ trợ hàng nghìn lượt HTX, doanh nghiệp trên cả nước tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế trong nước và một số thị trường mục tiêu tại nước ngoài như Italy, Đức… tham gia các khóa đào tạo tập huấn kỹ năng kinh doanh và tiếp cận thị trường trong nước cho các HTX trên địa bàn cả nước.
Mặt khác, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều hoạt động liên kết vùng, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, biên giới, miền núi và hải đảo, góp phần thúc đẩy thương mại.
Bên cạnh đó, tạo lập kênh phân phối cung cấp sản phẩm thiết yếu cho người dân, đồng thời góp phần đưa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất của các HTX trong nước, tạo dựng thị trường vững chắc hơn cho hàng Việt tại thị trường nội địa.
Tuy nhiên, số lượng HTX tiếp cận và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại còn hạn chế, tập trung chủ yếu vào các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa phương và một số ít đề án hội chợ triển lãm tại nước ngoài. Nguyên nhân cơ bản do các HTX, nhất là các HTX khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế trong việc tiếp cận thông tin.
Hơn nữa, nhiều HTX chưa đủ nguồn nhân lực và tài chính để đầu tư tham gia các chương trình xúc tiến thương mại lớn. Cùng đó, các đơn vị chủ trì chưa đầu tư xây dựng nhiều đề án hỗ trợ mang tính dài hạn, theo chuỗi từ phát triển sản phẩm, thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xây dựng kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ.
Do vậy, từ góc độ Bộ Công Thương, ông Hoàng Minh Chiến đề xuất các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp với các địa phương, cơ quan hữu quan thực hiện chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các HTX. Liên minh HTX Việt Nam cũng cần tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu, định hướng hoạt động xúc tiến thương mại cho HTX. Các doanh nghiệp phải chủ động phối hợp, yêu cầu các hiệp hội chuyên ngành xây dựng thông tin đề án xúc tiến thương mại làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược kinh doanh và phát triển thị trường.