Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 tập trung vào hợp tác kinh tế Tạo đà thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam và Bang Colorado (Hoa Kỳ) |
Kim ngạch thương mại Việt Nam và Indonesia tăng gần 3 lần
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), thời gian qua, quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Indonesia ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam và Indonesia đều là hai nền kinh tế có nhiều tiềm lực, đang trỗi dậy, đang phát triển nhanh chóng. Indonesia là nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới, lớn thứ nhất trong ASEAN và cũng là thị trường lớn nhất ASEAN với hơn 270 triệu người tiêu dùng; trong đó, tầng lớp trung lưu có quy mô ngày càng tăng.
Mặt khác, Indonesia cũng là thị trường còn nhiều dư địa cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang là thị trường có nhiều tiềm năng để Indonesia thúc đẩy hợp tác cả về thương mại và đầu tư. Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại giữa hai Việt Nam và Indonesia ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong thời gian qua. Nếu như năm 2013, kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 4,8 tỷ USD thì sau 10 năm, kim ngạch đã tăng gần 3 lần, đạt 14,1 tỷ USD vào năm 2022.
Chỉ tính riêng 4 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam và Indonesia đã đạt hơn 4,2 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu sang Indonesia đạt 1,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến, năm 2023 kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Indonesia có thể đạt hoặc vượt mức 15 tỷ USD.
Thị trường Indonesia đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hoá Việt Nam, đặc biệt với mặt hàng gạo |
Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia tại Đông Nam Á. Đáng lưu ý, Việt Nam là nhà cung cấp có uy tín, chất lượng nhiều sản phẩm cho thị trường Indonesia như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hàng dệt may, giày dép, điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, vật liệu xậy dựng, sản phẩm nhựa...
Bên cạnh hợp tác song phương, Việt Nam - Indonesia đã có sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương như Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Á-Âu (ASEM), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... |
Ngoài ra, nhiều mặt hàng thế mạnh của Indonesia như than đá, linh kiện phụ tùng ô tô, dầu cọ, chất dẻo nguyên liệu, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, kim loại thường… cũng được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, nhập khẩu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Phạm Thế Cường - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia - cho biết: Chỉ trong 4 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia thu về 149 triệu USD, tăng đột biến 2,514% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh việc nhập khẩu gạo, Indonesia còn là thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam khai thác.
Theo đó, với 275 triệu người, Indonesia có dân số đông thứ 4 thế giới, đồng thời là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, nhập khẩu lương thực và thực phẩm, đồ uống chiếm 6,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này, tương ứng 16 tỷ USD.
Thực phẩm và đồ uống nhập khẩu của Indonesia tập trung vào nhóm sản phẩm từ sữa, đạt kim ngạch 1,2 tỷ USD, đồ uống có đường 120 triệu USD, bánh kẹo 75 triệu USD, ngũ cốc 541 triệu USD, nhóm rau củ quả chế biến đạt 222 triệu USD. "Một số nhóm hàng Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu sang Indonesia như phở, bún, mỳ ăn liền, sủi cảo, há cảo đông lạnh nhân thủy sản, thịt bò" - ông Phạm Thế Cường chia sẻ.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55 (AEM 55) mới đây, Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan chia sẻ, Indonesia luôn nhìn nhận Việt Nam là một trong những đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của Indonsia trong khu vực Đông Nam Á.
Để quan hệ thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển, Bộ trưởng Hassan đề nghị Việt Nam xem xét, sớm nối lại hoạt động trao đổi đoàn, nhất là cơ chế hợp tác, diễn đàn thường niên giữa Bộ Thương mại Indonesia và Bộ Công Thương Việt Nam đã bị tạm ngừng từ nhiều năm nay. Cùng với đó, hiện Việt Nam có nhiều doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm về nuôi trồng, sản xuất, xuất khẩu thủy sản và Indonesia mong muốn học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, Indonesia mong muốn và kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp Indonesia phát triển ngành công nghiệp ô tô điện.
Để quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất Indonesia tạo điều kiện cho Việt Nam nhập khẩu ổn định than và dầu cọ thô để đảm bảo an ninh năng lượng và sự ổn định cho ngành sản xuất trong nước; xem xét ngừng ban hành, áp dụng biện pháp bảo hộ, rào cản thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam luôn đối xử công bằng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Indonesia kinh doanh tại Việt Nam.
Nhằm duy trì đà tăng trưởng thương mại, Bộ Công Thương cho rằng: Việt Nam - Indonesia cần tận dụng những cơ hội mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, phát huy hiệu quả hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật giữa hai nước. Cùng với đó, hạn chế áp dụng rào cản thương mại, tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại và đầu tư giữa, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hợp tác kinh doanh, xúc tiến thương mại tại mỗi nước.
Để thuận lợi trong xúc tiến quảng bá sản phẩm, với đa số dân số theo đạo Hồi, Indonesia là thị trường có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm có chứng chỉ Halal lớn nhất thế giới. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ động tìm hiểu và xin chứng nhận Halal của Indonesia. Theo ông Phạm Thế Cường, "chứng nhận Halal luôn là câu hỏi đầu tiên của bất cứ nhà nhập khẩu, phân phối nào của Indonesia khi có sản phẩm thực phẩm, đồ uống muốn tiếp cận thị trường này".
Trên cơ sở đó, ông Phạm Thế Cường cho hay: Nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia sẽ tổ chức gian hàng tại một số hội chợ lớn tổ chức ở nước sở tại; thường xuyên tổ chức tọa đàm kết nối giao thương online đến nhà nhập khẩu lớn của Indonesia. Trong năm 2023, Thương vụ cũng tổ chức phiên tư vấn giới thiệu về quy định Halal của Indonesia để giúp doanh nghiệp xuất khẩu có thêm thông tin về chứng nhận này nói riêng, thị trường Indonesia nói chung.
Bên cạnh việc doanh nghiệp chủ động tham gia xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng xuất khẩu sang Indonesia nhưng cần lưu ý biện pháp phòng vệ thương mại tại quốc gia này.
Mặt khác, để thúc đẩy hạ nguồn chế biến chuyên sâu, gia tăng giá trị sản phẩm, Indonesia dự kiến cấm xuất khẩu 21 nhóm hàng dưới dạng thô chưa qua chế biến từ nay đến năm 2040. Trước mắt, cấm xuất khẩu bauxit thô từ tháng 6/2023, tiếp đó là mặt hàng đồng và thiếc. Trong danh mục 21 nhóm hàng dự kiến đưa vào nhóm hàng cấm xuất khẩu có một số nhóm hàng liên quan ảnh hưởng đến Việt Nam trên thị trường như: than, tôm, thủy sản, cua, rong biển, gỗ xẻ… "Ngoại trừ bauxit đã có thông báo chính thức cấm xuất khẩu dưới dạng thô, các sản phẩm còn lại đang được Chính phủ Indonesia xây dựng lộ trình cấm xuất khẩu nên doanh nghiệp cần theo dõi sát sao" - ông Phạm Thế Cường thông tin.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1955, quan hệ Việt Nam – Indonesia vẫn luôn phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Indonesia là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực; trong đó, hợp tác kinh tế đang có những bước tiến lớn. Sáng 4/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội lên đường dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Jakarta, Indonesia từ ngày 4-7/9 theo lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. Đoàn đại biểu chính thức cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh; Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc; Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hải Bằng. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị Cấp cao liên quan là chuỗi hoạt động cấp cao quan trọng kết thúc Năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia với chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng." |