Hội nghị với sự tham dự của Lãnh đạo của một số sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo huyện Tân Yên; các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, hợp tác xã (HTX) cùng các hộ trồng sâm trên địa bàn huyện Tân Yên.
Toàn cảnh hội nghị |
Nâng tầm thương hiệu sản phẩm sâm Nam núi Dành
Năm 2010, gốc sâm cổ đầu tiên được phát hiện và tiếp tục một vài gốc sâm khác ở địa điểm quanh núi Dành cũng được phát hiện. Nhận thấy mức độ quý, hiếm của sâm Nam núi Dành, từ những cá thể sâm Nam núi Dành đầu tiên đầu tiên đó, năm 2012, Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường huyện Tân Yên thực hiện Đề tài khoa học: Bảo tồn và nhân giống sâm Nam núi Dành tại nhà Cụ Thành và Cụ Lư.
Tiếp đó, năm 2015, Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Kể từ đó sâm Nam núi Dành được phát triển và nhân rộng cho đến ngày nay; tiếng vang về chất lượng, sản phẩm quý của sâm Nam núi Dành được lan tỏa rộng rãi trong cả nước. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã tìm hiểu, sản xuất, nghiên cứu, chế biến sản phẩm, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành. Từ sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ, tự phát, phân tán chuyển dần sang sản xuất thành vùng tập trung, đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Quốc Hưng- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết: Thời gian qua, UBND huyện Tân Yên đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu chủ động tổ chức triển khai và phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sâm Nam.
Theo đó, Tân Yên đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ Đề án Phát triển sâm Nam núi Dành trên địa bàn huyện Tân Yên giai đoạn 2022-2027; tập trung chỉ đạo người dân sản xuất tập trung theo chuỗi; xây dựng, mở rộng vùng sản xuất sâm Nam đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobGAP, hữu cơ; tuân thủ các quy định đối với mã số vùng trồng trong khâu sản xuất.
Các doanh nghiệp, đại biểu thăm quan các gian hàng trưng bày sâm Nam núi Dành và các sản phẩm được chế biến từ cây sâm núi Dành |
Đồng thời, thông tin, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, ý thức trong chấp hành quy định điều kiện để sản phẩm sâm nam đáp ứng các điều kiện của doanh nghiệp, người tiêu dùng hướng tới xuất khẩu; Nâng cao hiệu quả và quản lý bảo vệ phát triển sâm Nam trên địa bàn huyện, đặc biệt là vấn đề quản lý chỉ dẫn địa lý, nâng cao chất lượng sản phẩm trong thu hoạch, bảo quản, chế biến và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ sâm cũng như mẫu mã bao bì sản phẩm sau khi được chế biến và bán ra thị trường; đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường.
Đa dạng hóa các sản phẩm từ cây sâm
Hiện, Tân Yên có khoảng 125ha sâm Nam núi Dành được trồng tại các xã Việt Lập, Liên Chung, thị trấn Cao Thương. Năm 2024 diện tích sâm Nam núi Dành huyện đã và đang thu hoạch trên 115ha trong đó có trên 18ha cho thu hoạch củ sản lượng ước đạt khoảng 30 tấn; 115ha cho thu hoạch hoa sản lượng ước đạt năm 2024 dự kiến trên 60 tấn.
Thời gian thu hoạch hoa dự kiến từ 15/8 đến 30/9 hàng năm. Hiện nhiều sản phẩm từ cây sâm đã được chế biến thành nhiều sản phẩm như: Hoa, củ sâm tươi, trà sâm, dầu gội đầu, sâm hòa tan, nước ngọt, nước tăng lực, nước bổ dưỡng, thuốc thảo dược viên sáng mắt núi dành, rượu sâm, trà hoa sâm... và sẽ tiếp tục nghiên cứu đa dạng trong thời gian tới.
“Hiện sản phẩm sâm Nam núi Dành đã được kết nối tiêu thụ từ năm 2022 đến các hệ thống phân phối bán lẻ tại các tập đoàn, siêu thị lớn như Mega Market, chuỗi siêu thị Go, trên sàn thương mại điện tử Shopee …; các công ty dược, công ty bánh kẹo, nước tăng lực."- ông Hưng cho biết.
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Văn Khiển, Giám đốc Hợp tác xã Sâm núi Dành Đức Hạnh cho biết: Bắt đầu xuống giống sâm núi Dành (lá nhỏ) từ tháng 1/2022, đến nay, tổng diện tích đã xuống giống của Hợp tác xã sâm núi Dành Đức Hạnh là hơn 3ha tại thôn Hậu, xã Liên Chung với tổng số giống đã trồng gần 40 nghìn bầu.
Quy trình sản xuất, chế biến sâm Nam núi Dành được ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao |
“Việc sản xuất, chế biến sâm núi Dành tại HTX được canh tác theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỷ lệ cây giống sống, sinh trưởng phát triển đạt hơn 90%; vụ hoa năm 2023 (vào tháng 9, 10/2023) đã thu hoạch khoảng 2 tấn hoa tươi. Sau 2 năm kiểm tra gốc sâm đã có củ to hơn ngón tay, dài 30 cm, màu vàng, có mùi thơm đặc trưng… Hiện 100% diện tích sâm đã lên giàn.”- ông Khiển chia sẻ.
Cũng theo ông Khiển cho biết, HTX đã nhân giống tại vườn được 50 nghìn bầu, mở rộng diện tích tại vườn gần 20 nghìn bầu, còn lại đã bán hết cho các nhà vườn trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, HTX thu mua hoa, lá sâm và củ sâm tươi của xã viên và người dân trong vùng để chế biến, đóng hộp các sản phẩm: Sâm hòa tan, trà hoa sâm, rượu sâm… Tổng sản lượng khoảng 5.000 sản phẩm các loại, đã bán hết cho người tiêu dùng, nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.
Đại diện của HTX sâm núi Dành Đức Hạnh cũng đề nghị chính quyền địa phương cần sớm quy hoạch và công bố quy hoạch vùng sản xuất Sâm núi Dành quy mô lớn; hỗ trợ doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất, đường giao thông; hỗ trợ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Tuyên truyền, vận động, tập huấn cho người dân phát triển vùng nguyên liệu gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…
Ông Ngô Quốc Hưng khẳng định: "Sản phẩm sâm Nam núi Dành, “sản phẩm tiến vua” đặc hữu của vùng đất Tân Yên có chất lượng vượt trội, bổ dưỡng, đảm bảo an toàn thực phẩm và sẽ là sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn sử dụng”.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, huyện Tân Yên cùng các xã viên trồng sâm kỳ vọng thông qua hội nghị sẽ kết nối và hợp tác nhiều hơn nữa với các doanh nghiệp và thương nhân trong và ngoài nước đến thu mua tiêu thụ sâm Nam và các sản phẩm chủ lực đặc trưng của huyện và đầu tư vào địa bàn huyện Tân Yên.
Ông Trần Văn Khiển (phải) Giám đốc HTX sâm núi Dành Đức Hạnh đã ký hợp tác với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm |
Hội nghị cũng đã ghi nhận ý kiến chia sẻ từ đại diện các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực dược liệu về các vấn đề nhằm nâng cao chất lượng sâm Nam núi Dành, những tác dụng tuyệt vời trong hỗ trợ điều trị và chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, đại diện tổ chức trồng sâm mong muốn chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ trong công tác truyền thông, quảng bá về sâm Nam núi Dành để sản phẩm sâm Nam núi Dành được nhiều người biết đến, tạo thuận lợi trong người nông dân trong tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh công tác liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ; xây dựng Ban chỉ đạo về sâm Nam núi Dành để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc trồng sâm; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận đất đai cho trồng và chế biến sâm; cần tuân thủ quy trình trồng sâm đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sâm Nam núi Dành....
Ông Võ Diệp- Giám đốc Phát triển chiến lược và Thị trường Hoa kỳ - Việt Nam Công ty iBeneTor USA cho biết: Nhìn thấy tiềm năng của sản phẩm sâm Nam núi Dành với thành phần 50 hoạt chất rất tốt cho sức khỏe, chúng tôi đã quyết định ký kết hợp tác chiến lược phân phối độc quyền sản phẩm sâm Nam núi Dành sang thị trường Hoa Kỳ.
Ông Võ Diệp (trái) ký kết hợp tác chiến lược phân phối độc quyền với doanh nghiệp sản xuất sâm Nam núi Dành vào thị trường Hoa Kỳ |
Huyện Tân Yên cũng đã cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng sâm, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sâm; chỉ đạo cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác...
Tại hội nghị, Lãnh đạo các Sở, ngành tỉnh Bắc Giang và huyện Tân Yên đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ giữa một số hợp tác xã trồng sâm trên địa bàn huyện với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ sâm và đi thăm quan một số vườn trồng sâm trên địa bàn huyện Tân Yên.