Tồn đọng một lượng lớn hồ sơ gia hạn thuốc
Ngày 14/12, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp |
Bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, bám sát thực tiễn, Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết 30.
Đây là sáng kiến lập pháp vô cùng quan trọng của Quốc hội và Chính phủ, đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết.
Việc ban hành Nghị quyết 30 được nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, củng cố niềm tin với những quyết sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Từ khi được ban hành, Nghị quyết 30 được triển khai khẩn trương cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác nhằm kiểm soát dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia...
Thường trực Ủy ban Xã hội về cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao tinh thần cầu thị, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chuẩn bị báo cáo, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá sâu và rộng hơn để thấy tác động của Nghị quyết 30 đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đến ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong đại dịch và là tiền đề để phục hồi kinh tế - xã hội hậu đại dịch; bổ sung và rà soát số liệu để bảo đảm thống nhất, nhất là số liệu về nguồn lực dành cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, đánh giá nguyên nhân của những tồn tại, hạn ché và có giải pháp thực hiện cho giai đoạn tới; bổ sung bài học kinh nghiệm rút ra qua quá trình phòng chống đại dịch Covid-19 để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện.
Với 4 kiến nghị của Chính phủ đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với kiến nghị thứ 4 về việc đưa các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch khi kết thúc việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết 30 vào Nghị quyết kỳ họp tới của Quốc hội; đồng thời tán thành với kiến nghị thứ nhất của Chính phủ, đề nghị Quốc hội ghi nhận các kết quả đã triển khai thực hiện trong thời gian qua và kết thúc thời hạn hiệu lực của các chính sách này đến hết ngày 31/12/2022 theo đúng quy định của Nghị quyết 30...
Liên quan đến việc kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết của việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, ảnh hưởng tới công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, theo Nguyễn Thuý Anh, đây chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt để khắc phục tình trạng tồn đọng hồ sơ gia hạn thuốc. Theo đó đề nghị Chính phủ đánh giá đúng bản chất các nguyên nhân và tập trung giải quyết các vấn đề nội tại, tăng cường năng lực cơ quan quản lý Nhà nước để kịp thời giải quyết các hồ sơ gia hạn đăng ký lưu hành thuốc.
Đồng thời, đánh giá kỹ lưỡng nguồn lực thực hiện để bảo đảm không lặp lại tình trạng tồn đọng một lượng lớn hồ sơ gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa được giải quyết như hiện nay.
Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng bày tỏ nhất trí với kiến nghị về Quốc hội ghi nhận những cũng nỗ lực, cố gắng của ngành y tế, của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 thời gian qua và tuyên bố là các chính sách hết hiệu lực vào 31/12/ 2022 theo đúng tinh thần của Nghị quyết.
Để thực hiện Nghị quyết 30 thì Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương ban hành rất nhiều những văn bản quy phạm pháp luật, thông báo, chỉ thị… "Đến nay, khi tuyên bố những chính sách theo Nghị quyết 30 hết hiệu lực thì về nguyên tắc pháp lý là các văn bản hướng dẫn, các quy định cụ thể hay các quy định triển khai thực hiện cũng sẽ hết hiệu lực cần phải tuyên bố một cách rành mạch" - ông Hoàng Thanh Tùng nêu
Liên quan đến miễn kê khai và công bố giá đối với vaccine được mua sắm từ ngân sách Nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cân nhắc và làm rõ có nhất thiết phải tiếp tục áp dụng chính sách này trong bối cảnh bình thường mới hiện nay hay không?
Khi chúng ta đã kiểm soát cơ bản, kiểm soát được dịch và cũng đã cơ bản tiêm chủng vaccine phổ rộng. “Nếu được Quốc hội chấp nhận những chính sách này nên được quy định riêng, không coi đây là chuyển tiếp chính sách mà là những biện pháp mà Quốc hội cho phép tiếp tục để thực hiện để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh bình thường mới” - ông Tùng phân tích.
Kết luận, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt, kiên trì, chủ động, sáng tạo, linh hoạt thực hiện các cái biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện có lúc, có nơi còn chậm. Y tế cơ sở, y tế dự phòng bộc lộ những mặt yếu. Việc thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 một số nơi chưa kịp thời, thỏa đáng. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Còn có hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch, và có một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đối với nội dung đề xuất việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết của đề xuất nhằm giải quyết tồn đọng, xử lý hồ sơ gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định.