Đắk Lắk nghiên cứu cà phê theo hướng 'đặc sản', giá trị cao Đắk Lắk: Bảo tồn và phát triển làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp |
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn ông Lưu Văn Khôi - tân Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk - về nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.
Xin ông cho biết cụ thể về đề án trình bày trước Hội đồng thi tuyển?
Thực trạng công tác quản lý nhà nước ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk thời gian qua còn một số mặt hạn chế, trong đó có việc thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cụ thể, tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 28.953 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thị trường nông sản thiếu tính liên kết, chưa phát triển được chế biến sâu và sẵn sàng hội nhập. Thương mại điện tử chưa có môi trường pháp lý an toàn để người dân yên tâm tham gia, thiếu nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Vì vậy kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của tỉnh.
Ông Lưu Văn Khôi trình bày đề án tại Hội đồng thi tuyển chức danh Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk |
Nhiệm vụ đặt ra trong đề án về mức dự kiến thu hút đầu tư phát triển toàn xã hội ngành Công Thương Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 khoảng trên 120.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án năng lượng điện mặt trời, điện gió là 105 nghìn tỷ; dự án công nghiệp khoảng 10.000 tỷ đồng và dự án thương mại 5.000 tỷ đồng.
Để tạo bước phát triển cho ngành Công Thương Đắk Lắk giai đoạn tới, ông đã đưa ra những giải pháp nào?
Có 7 giải pháp để tạo bước phát triển cho ngành Công Thương Đắk Lắk giai đoạn tới gồm: hoàn thiện thể chế chính sách; hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; huy động nguồn lực đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh khoa học công nghệ; tăng cường kiểm tra, thanh tra cải cách hành chính; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Cùng với đó là 4 chương trình trọng tâm; phát triển năng lượng tái tạo; phát triển chế biến sâu; phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo và củng cố hệ thống chợ truyền thống.
Ông Lưu Văn Khôi – Tân giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk |
Những định hướng phát triển ngành Công Thương Đắk Lắk trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Qua cuộc thi, bản thân tôi có động lực để tìm hiểu về thực trạng quản lý nhà nước của ngành công thương ở địa phương, thấy được những mặt còn tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó xây dựng được những chương trình hành động thiết thực và khi nhận nhiệm vụ sẽ bắt tay vào triển khai thực hiện ngay.
Với vai trò là Giám đốc Sở Công Thương, trong quản lý, điều hành tôi sẽ thực hiện phương châm "3 theo " (điều hành theo quy chế, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, giải quyết công việc theo quy trình" và "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả). Hằng năm sẽ đánh giá kết quả thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trong đề án.
Với vai trò Giám đốc Sở Công Thương, ông có giải pháp gì để xây dựng chợ truyền thống mà không phát sinh khiếu kiện?” và “Giải pháp khả thi nào xây dựng thương hiệu trái cây của Đắk Lắk trong giai đoạn tới"?
Củng cố cải tạo chợ truyền thống giai đoạn 2020-2025 là nhiệm vụ trọng tâm tôi đã đưa vào đề án. Hiện nay, giao thương hàng hóa ở cả đô thị và nông thôn, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân phần lớn vẫn thông qua chợ truyền thống. Khi củng cố, cải tạo, xây dựng chợ truyền thống để tránh phát sinh khiếu kiện phải làm đồng bộ từ khâu quy hoạch, xác định được quy mô xây dựng phù hợp và lấy ý kiến cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, việc cải tạo chợ cũ thì quyền lợi cho tiểu thương là vấn đề phải được quan tâm hàng đầu. Việc tạo cơ chế xã hội hóa trong xây dựng và quản lý chợ phải có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước bằng cơ chế giám sát, quản lý. Khi xây dựng phương án kinh doanh chợ mới cần ưu tiên những ngành hàng gắn bó lâu đời, kết hợp hài hòa lợi ích của tiểu thương.
Đối với bài toán xây dựng thương hiệu trái cây cho Đắk Lắk, đây là thế mạnh mà ngành Công Thương tỉnh xác định phải đầu tư nguồn lực để tiếp cận được thị trường thế giới. Cụ thể tỉnh phải định danh được nông sản nào là đặc sản; tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý, tổ chức sản xuất đảm bảo dây chuyền hiện đại, bảo quản sau thu hoạch; xây dựng chuẩn sản phẩm đạt chứng nhận an toàn có thể tham gia sàn giao dịch; truyền thông xây dựng bộ nhận diện thương hiệu; lựa chọn tổ chức chuyên nghiệp để phát triển thị trường. Và câu chuyện vải thiều ở Bắc Giang là ví dụ sinh động cho tỉnh khi định hướng triển khai.
Lời giải ''bài toán'' đầu ra cho nông sản Đắk Lắk nói chung và tạo dựng thương hiệu cho trái cây Đắk Lắk “lên ngôi” sẽ cần thêm sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn và một số đơn vị liên quan khác. Tuy vậy, Sở Công Thương vẫn đóng vai trò then chốt để giải quyết vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!