Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam với Báo Công Thương về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp trong việc tận dụng hiệu quả các FTA.
Các rào cản kỹ thuật vẫn là trở ngại lớn đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội từ FTA |
Tiến trình hội nhập kinh tế cũng như tham gia các Hiệp FTA đang mở ra cơ hội nhưng đặt ra cho doanh nghiệp không ít thách thức, trong đó các yêu cầu kỹ thuật như quy chuẩn, tiêu chuẩn của thị trường chính là rào cản lớn. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
Quả thực, đây là vấn đề, là thách thức đối với hàng hóa, doanh nghiệp mà chúng ta đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Thực tế cho thấy, quá trình tham gia thực thi FTA có nghĩa là các doanh nghiệp đang ở "sân chơi" kinh tế toàn cầu. Với quy mô, cấp độ như vậy, doanh nghiệp phải chấp nhận một "cuộc chơi" với nhiều quy định cao, khắt khe và mỗi thị thị trường có FTA luôn có tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt, cũng như quy định tuân thủ về sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa.
Bên cạnh đó, để hàng hóa xâm nhập nhiều thị trường lớn, một số lĩnh vực, nhất là nông nghiệp dù các doanh nnghiệp đã sản xuất theo mô hình VietGap nhưng thế giới lại đòi hỏi mức độ cao hơn là GlobalGap, đây cũng chính là bước cản của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp trong nước không dễ gì đạt tiêu chuẩn cao như vậy khi tiềm lực vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Đặc biệt, hai năm qua, dù một số FTA đã triển khai, thực thi song do đại dịch Covid-19, địa chính trị nên việc tận dụng hiệu quả cơ hội từ FTA của doanh nghiệp vẫn chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, cải thiện hệ thống quản lý để sản xuất sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của thị trường.
TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam |
Trước thực tế khó khăn về sản xuất hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tận dụng hiệu quả các FTA của nhiều ngành và doanh nghiệp, nhà nước cần hỗ trợ, tháo gỡ về mặt chính sách, cơ chế như thế nào, thưa ông?
Trong giai đoạn hiện nay, để doanh nghiệp, hàng hóa của chúng ta tự tin, cạnh tranh trên "sân chơi" kinh tế toàn cầu, các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO; đồng thời ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất để hỗ trợ cho doanh nghiệp đáp ứng được các đòi hỏi cao của thị trường quốc tế, nhất là thị trường châu Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ.
Đặc biệt, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp về vốn, đây là chính đối tượng gặp nhiều khó khăn về tài chính cũng như thu hút thu hút đầu tư, cải thiện, nâng cao hệ thống, dây chuyền sản xuất. Đồng thời, nhà nước cần đầu tư đúng đối tượng, doanh nghiệp có mong muốn, nhu cầu đổi mới về công nghệ, hệ thống quản lý, sản xuất có như vậy chúng ta mới thực sự thúc đẩy được hiệu quả sản xuất, kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp.
Sắp tới, Hội Tự động hóa sẽ tổ chức Hội nghị khoa học và Triển lãm quốc tế lần thứ 6 về điều khiển và tự động hóa, sự kiện này cho thấy vai trò của tự động hóa, công nghệ ra sao trong thúc đẩy sản xuất thông minh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế?
Chúng ta đang thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của Chính phủ, đồng thời nhanh chóng thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 một cách chủ động. Trong bối cảnh đó, tự động hóa giờ đây đóng một vai trò rất quan trọng, là công nghệ chủ lực trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 vì nó được tích hợp bởi rất nhiều công nghệ được quan tâm trong giai đoạn hiện nay như: trí tuệ nhân tạo, IoT, blockchain,… Vì vậy, Hội Tự động hóa Việt Nam xác định cần phải tổ chức nhiều hoạt động phục vụ cho các ngành kinh tế, các lĩnh vực đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Với chủ đề “Tự động hoá trong chương trình chuyển đổi số Quốc gia: Thông minh và sáng tạo”, Hội nghị khoa học và Triển lãm quốc tế lần thứ 6 về điều khiển và tự động hóa lần này hướng tới mục tiêu làm sao tích hợp được tất cả các nền tảng công nghệ của thời đại số, thúc đẩy sự phát triển, hướng tới sản xuất thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp vô cùng khó khăn trong việc đổi mới, tiếp công nghệ vì thế chúng tôi muốn tạo ra một cơ hội cho doanh nghiệp có thể tháo gỡ các hạn chế về sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại sự kiện này chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị về tự động hóa, là dịp để các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế có thể giới thiệu kết quả các công trình nghiên cứu của mình; theo đó hội nghị tập trung vào các vấn đề đang được giới khoa học, doanh nghiệp và xã hội quan tâm như điều khiển học; tự động hóa và các nghiên cứu ứng dụng.
10 năm qua, hội nghị là nơi để các nhà khoa học trình bày các kết quả nghiên cứu mới nhất, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tự động hóa trong và ngoài nước và chủ yếu mang tính học thuật. Tuy nhiên, từ hội nghị lần thứ 3, chúng tôi thấy rằng để các công trình nghiên cứu lan tỏa trong thực tiễn, có thể áp dụng vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần phải đưa vào những nội dung mới. Theo đó, năm nay, hội nghị không chỉ là sự kiện khoa học thuần túy mà còn là nhịp cầu giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ biết đến các nhà khoa học trong lĩnh vực tự động hóa và các sản phẩm được nghiên cứu, qua đó có thể thực hiện liên kết ứng dụng các kết quả nghiên cứu mới nhất vào sản xuất kinh doanh; mặt khác doanh nghiệp có thể đặt hàng các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu các sản phẩm để đưa vào sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, các nhà khoa học sẽ nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp về đổi mới công nghệ, về những vấn đề mà doanh nghiệp đang khó khăn, vướng mắc trong hệ thống sản xuất, quản lý để thực hiện nghiên cứu các công trình, công nghệ phù hợp với thị trường.
Xin cảm ơn ông!