Cô giáo Tày giàu sáng tạo
Năm 2010 sau khi tốt nghiệp đại học, cô giáo dân tộc Tày - Nguyễn Thị Thanh Xuân về công tác tại Trường THPT Nguyên Bình (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đây là ngôi trường có hơn 97% học sinh là người dân tộc thiểu số, đa số các em học sinh từ các xã ra trọ học, nên điều kiện ăn, ở của các em còn gặp nhiều khó khăn, thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ bố mẹ.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân trao đổi cùng học trò |
Là giáo viên giảng dạy bộ môn vật lý - môn học vẫn bị xem là khô khan, với nhiều công thức, thí nghiệm, khó hiểu, trừu tượng - nên để học sinh không ngại học Lý, cô Xuân luôn chủ động tìm ra những phương pháp giảng dạy phù hợp, biến những giờ học, kiến thức khô khan thành những tiết học vui tươi và bổ ích.
Năm 2020, do dịch bệnh COVID-19, nhiều học sinh của Trường THPT Nguyên Bình không có máy tính phải sử dụng điện thoại thông minh để học. Trong quá trình học, do đường truyền mạng không ổn định nên quá trình truyền tải và tiếp nhận kiến thức của các em chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Trước tình hình này, cô Xuân đã tham mưu với Chi bộ Đảng, Ban giám hiệu nhà trường, phối hợp với Trung tâm Viễn thông huyện Nguyên Bình đưa ra những gói cước ưu đãi tốc độ cao dành riêng cho học sinh khối 12 đang ôn thi tốt nghiệp THPT tại nhà trường. Đồng thời, vận động các em học sinh trong lớp đóng góp, ủng hộ tiền cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn để mua các gói internet dung lượng cao phục vụ cho việc ôn tập.
Không chỉ nỗ lực biến những giờ học vật lý thành chân trời khám phá lý thú cho học sinh huyện nghèo, cô Xuân còn quan tâm đến hoàn cảnh gia đình học sinh, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em. Với các em có hoàn cảnh khó khăn, cô Xuân sẵn sàng trích một phần lương nhỏ bé của mình để ủng hộ các em. Tình cảm, tấm lòng của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân đã khiến cô không những được đồng nghiệp và học trò yêu mến, mà phần thưởng lớn nhất dành cho cô chính là rất nhiều học sinh của cô đã thi đỗ vào các trường đại học top đầu trong cả nước.
Vượt khó “truyền lửa” cho trò nghèo
Năm học 2018, cô giáo dân tộc Mường - Phạm Thị Tuyết tình nguyện xung phong giảng dạy ở Trường Tiểu học Vân Am 1 - vùng đặc biệt khó khăn nhất của huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, cách nhà gần 30 km. Đường đến trường Vân Am 1 vô cùng khó khăn. Nhiều ngày mưa to, cô trò “vứt” la liệt xe hai bên đường, tới trường bùn đất dính từ đầu đến chân. Khó là vậy, nhưng cô Tuyết không nản trí mà càng quyết tâm để truyền lửa, thắp sáng ước mơ khát vọng cho các trò nhỏ vùng cao.
Là giáo viên chủ nhiệm, cô tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của các em, cô tranh thủ cả những lúc ra chơi để cùng chơi, cùng học với các em. Lúc nói tiếng Mường, lúc lại nói tiếng Kinh, khi thì như người bạn, lúc thì như người chị, người mẹ… chỉ bảo cho các em cách học, các kỹ năng sống thông qua các bài học, lâu dần các em đã mạnh dạn hơn, gần gũi với cô hơn và đặc biệt là ham học hỏi.
Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cô Tuyết đã tích cực ôn luyện qua zalo, dạy online cho học sinh thường xuyên nên chất lượng giáo dục của lớp luôn dẫn đầu. Năm học 2019 - 2020, lớp cô chủ nhiệm có em Lê Yến Nhi đạt giải UPU cấp quốc gia và cũng là học sinh khối tiểu học đạt giải duy nhất toàn quốc, 1 học sinh đạt giải Nhất cấp huyện, giải Ba cấp tỉnh Cuộc thi “Tìm hiểu về Bác Hồ và những bài học đạo đức lối sống dành cho học sinh phổ thông”. Năm học 2020 - 2021 cô mang về cho nhà trường và huyện nhà 30 giải Nhì, 4 giải Nhất cá nhân và 1 giải Nhất toàn đoàn cấp tỉnh Hội thi Sáo Recorder.
Với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không mệt mỏi, hành trang của cô Tuyết đến nay đã có hơn 30 bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận các cấp. Riêng với cá nhân cô giáo Phạm Thị Tuyết, cô vô cùng hạnh phúc khi đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển của Trường Tiểu học Vân Am 1 - ngôi trường nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, nay đã được nhiều người biết đến là một trong những trường nằm trong top đầu của ngành giáo dục huyện Ngọc Lặc.