4 lý do khiến giá dầu thô sẵn sàng “tịnh tiến” đến mốc 150 USD/ thùng |
Các quốc gia tiêu thụ dầu chờ đợi với nhịp thở căng thẳng khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhóm họp một lần nữa trong tuần 28/6 để quyết định xem có nên bơm thêm dầu thô vào thị trường để kiềm chế giá dầu cao hay không. Sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, giá dầu thô năm nay đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm. Kể từ đó, giá đã giảm nhẹ và giá dầu Brent giao sau đứng ở mức khoảng 113 USD/thùng vào ngày 27/6, nhưng các quốc gia phương Tây đã gây sức ép để các quốc gia khai thác dầu tiếp tục bổ sung thêm dầu vào thị trường.
Ngày 27/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi các nhà sản xuất dầu tăng sản lượng với khối lượng "đặc biệt”.
Nhưng khi các nhà xuất khẩu dầu mỏ họp vào ngày 28/6 để quyết định xem có tăng sản lượng hay không, họ sẽ phải tính đến một cuộc suy thoái toàn cầu đang rình rập có nguy cơ làm giảm nhu cầu đối với dầu thô của họ và giảm khả năng kiểm soát giá của họ.
Các nhà kinh tế cảnh báo, khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu trong 18 tháng tới có thể xảy ra. Các nhà phân tích của Citigroup đã lưu ý trong một đánh giá về quỹ đạo tăng trưởng toàn cầu trong 18 tháng tới, suy thoái là một "rủi ro ngày càng rõ rệt".
Các chuyên gia cho rằng, các nhà sản xuất dầu không thể ngăn chặn suy thoái bằng cách bơm thêm dầu. Và nếu một cuộc suy thoái xảy ra, việc tăng thêm nhiều thùng dầu có nguy cơ làm giảm giá dầu thô và gây tổn hại cho nền kinh tế của chính họ. Các quốc gia duy nhất có thể bơm thêm dầu, Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, đã nói rằng thị trường dầu đang cân bằng và không cần phải sản xuất thêm. Hai nước này có khả năng tăng thêm 2,5 triệu thùng mỗi ngày (bpd).
Yousef Alshammari, Giám đốc điều hành và người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu tại CMarkits ở London, nói rằng các nhà sản xuất dầu nhận ra rằng tác động kinh tế của việc tăng lãi suất vẫn chưa được thị trường dầu cảm nhận và họ đang hành động theo đó. Một mình OPEC không có khả năng ngăn chặn suy thoái kinh tế.
Trong cuộc họp cuối cùng vào ngày 2/6 vừa qua, OPEC đã đồng ý tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và vào tháng 8, tăng so với mức 432.000 thùng/ngày được đồng ý ban đầu cho đến tháng 9. Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị cho chuyến thăm Ả rập Xê út vào giữa tháng 7, đã có suy đoán rằng Riyadh có thể bổ sung thêm sản lượng dầu như một hành động thiện chí. Nhưng Ả rập Xê út, nhà sản xuất có công suất dự phòng lớn nhất, đã lên tiếng cảnh báo về khả năng tiếp tục bơm thêm dầu của các quốc gia dầu mỏ đang giảm dần.
Hồi tháng 5, Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã từng cảnh báo rằng thế giới cần thức tỉnh với một thực tế đang tồn tại là thế giới đang cạn kiệt năng lượng ở mọi cấp độ.