Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành mỹ phẩm, kéo theo cuộc đua khốc liệt của rất nhiều thương hiệu quốc tế gia nhập thị trường Việt Nam.
Áp dụng những công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm mỹ phẩm chất lượng, an toàn |
Theo số liệu do Hiệp hội Hóa Mỹ phẩm TP. Hồ Chí Minh cung cấp, Hàn Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất trong doanh số bán mỹ phẩm ngoại tại Việt Nam với 30% thị phần. EU đứng ở vị trí thứ hai với 23%, tiếp theo là Nhật Bản (17%), Thái Lan (13%) và Mỹ (10%), các quốc gia còn lại đóng góp 7%.
Trong đó, các thương hiệu quốc tế chuyên về dòng dược mỹ phẩm như La Roche Posay, Vichy, Kiehl’s, Clinique, Avene… đang đánh vào phân khúc cao cấp, với mức giá dao động từ 1.000.000 đồng cho sản phẩm dược mỹ phẩm đặc trị.
Còn các thương hiệu nội địa Việt hướng tới phân khúc bình dân đến cao cấp. Tuy nhiên, các sản phẩm Việt đang còn tồn đọng một số hạn chế như: Dây chuyền công nghệ chưa đủ hiện đại, bao bì chưa bắt mắt và thiếu chiến lược trong việc xây dựng thương hiệu và không tận dụng triệt để các kênh quảng bá tới người tiêu dùng.
Tại một sự kiện mới đây, ông Andy Vũ, Nhà sáng lập và Tổng Giám Đốc DigiMind Group đã chia sẻ các xu hướng sẽ chiếm lĩnh thị trường mỹ phẩm trong năm 2024. Khởi nguồn từ những Mega Trends chung của xã hội, một số xu hướng cụ thể cho ngành được hình thành như thành phần an toàn, xuất phát từ thiên nhiên, vẻ đẹp đa giới, bao bì thân thiện với môi trường, vẻ đẹp kết hợp sức khỏe và mỹ phẩm cá nhân hóa.
Mặt khác, xu hướng ngành làm đẹp năm tới cũng hòa nhịp cùng sự phát triển thần tốc của công nghệ, có thể kể đến việc chăm sóc da kết hợp công nghệ, thử nghiệm ảo - Virtual Shopping và thông tin vẻ đẹp dựa trên trí tuệ nhân tạo. Một số xu hướng khác cũng được nhắc tới đó là thương hiệu cá nhân độc lập đang nổi lên hay Planet Influencer.
Từ đó, các doanh nghiệp trong ngành mỹ phẩm cần nắm bắt cơ hội và xây dựng chiến lược để tái định vị thương hiệu. Ông Andy Vũ cũng chia sẻ 3 chiến lược cốt lõi cần làm để tái định vị thương hiệu bao gồm sản phẩm, thương hiệu, trải nghiệm khách hàng. Về thương hiệu, cần lấy sản phẩm làm lõi, lấy thương hiệu làm nền tảng và lấy trải nghiệm khách hàng là mục tiêu cho sự phát triển.
Bà Tracy Vũ, Nhà sáng lập và Tổng giám đốc của DigiMaster và Trends Việt Nam cho biết, các thương hiệu lớn trên thế giới như L’Oréal, Shiseido, Kiehl's… đã có hàng chục, hàng trăm năm xây dựng thương hiệu đặc biệt là định hình giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và có chiến lược đồng bộ trong việc phát triển sản phẩm, thương hiệu, truyền thông.
Trong khi đó, thị trường mỹ phẩm Việt Nam vẫn còn rất phân mảnh, tư duy ngắn hạn, chỉ có một số nhỏ xây dựng thương hiệu thành công. Sản phẩm không còn là lợi thế cạnh tranh duy nhất mà còn là thương hiệu và nhiều hệ giá trị khác.
“Doanh nghiệp có thể đầu tư rất nhiều vào các KOL để tăng doanh thu trước mắt nhưng đó chỉ là hoạt động lan toả giá trị chứ không phải là kiến tạo giá trị. Nếu đầu tư vào thương hiệu, doanh nghiệp sẽ duy trì được thương hiệu và đi cùng khách hàng hàng trăm năm” - bà Tracy nói.
Bà Dương Thị Thanh Mai, Tổng Giám đốc Thương hiệu Mỹ phẩm E&G cho rằng, thương hiệu vượt qua ranh giới của một nhãn hiệu mỹ phẩm, trở thành phong cách sống của người tiêu dùng. Yếu tố personalization (cá nhân hóa) được thương hiệu đặt trọng tâm vào việc cá nhân hoá vẻ đẹp của con người thông qua việc phát triển đa dạng các dòng sản phẩm thích ứng mọi nhu cầu, lứa tuổi.
Không chỉ tập trung nghiên cứu và áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất để tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, hiệu quả; E&G Beauty hướng tới xây dựng một cộng đồng phụ nữ lan toả năng lượng tích cực. Tại đây, đơn vị mong muốn truyền cảm hứng với người phụ nữ thông qua phát triển mô hình trải nghiệm sản phẩm.
“Phụ nữ thành thị họ có nhiều điều kiện để chăm sóc bản thân nhưng những người phụ nữ nông thôn và vùng sâu vùng xa, đôi khi do áp lực cuộc sống mà họ quên mất phải yêu chính mình. Chúng tôi không chỉ là thương hiệu mỹ phẩm đơn thuần mà hướng tới là người bạn đồng hành trong cuộc sống của mỗi người phụ nữ” - bà Mai cho hay.
Ông Tín Lê, Founder kiêm CEO Adtek, chuyên gia Marketing online cho biết thêm, với ngành mỹ phẩm khi bán hàng trên thương mại điện tử cần phải đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đây là yếu tố tiên quyết để thu hút và giữ chân khách hàng.
“Ngành mỹ phẩm cạnh tranh khốc liệt trên sàn thương mại điện tử. Định vị thương hiệu là yếu tố cốt lõi trên sàn. Vì vậy, cần có chiến lược bán hàng vì không phải cứ mang hàng lên bán là có doanh thu. Phải kết hợp sâu sát với sàn để thực hiện chiến lược này để tăng doanh thu và tối ưu chi phí” - ông Tín Lê nhấn mạnh.