Tác phẩm đó thể hiện một tư tưởng, một tình yêu dân tộc và sứ mệnh của người đứng đầu đất nước với sự tồn vong và phát triển của dân tộc, với hạnh phúc của nhân dân. Với cách nhìn của cá nhân mình, tôi xin bày tỏ một số điều sau khi đọc tác phẩm này trong một thời đại cũng như trong một thế giới mà tôi đang được sống, được chứng kiến như sau:
1. Ngày 24 tháng 11 năm 2021, Hội nghị văn hoá toàn quốc được tổ chức dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị diễn ra trong một thời đại mà trong và ngoài nước có quá nhiều biến động và thay đổi. Việt Nam đã và đang có những phát triển hơn bao giờ hết trong nhiều lĩnh vực; chính trị, văn hóa, ngoại giao, kinh tế, giáo dục và tạo được một vị thế công bằng và quan trọng trên thế giới. Nhưng hiện thực cũng cho thấy hay có thể gọi là được ‘’cảnh báo’’ về một hiện trạng trong lẽ sống và lối sống của con người Việt Nam. Không ít những vẻ đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam đã và đang bị chủ nghĩa thực dụng tấn công và đe dọa. Có lẽ vì điều ấy mà Hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức sau 75 năm kể từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946. Cũng vì lý do đó mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc một diễn văn vô cùng quan trọng về sứ mệnh của văn hoá đối với sự tồn vong và phát triển của dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Văn hoá là hồn cốt của dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn".
Chúng ta đều nhớ, vào ngày 24 tháng 11 năm 1946, Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ nhất được khai mạc trọng thể tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội. Tại Hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi ra một chân lý: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Và 75 năm sau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái khẳng định chân lý về sứ mệnh của văn hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mở rộng chiều kích của văn hoá trong một thời đại mới với quá nhiều thách thức đối với sự tồn vong và phát triển của Đảng và của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. (Ảnh: hanoimoi.vn) |
2. Trong cuốn sách quan trọng này, các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dựng lên một hệ thống lý luận đầy tính khoa học có tính nền tảng về văn hoá và dân tộc, về truyền thống và hiện đại, về phẩm giá con người và lý tưởng. Từ đó đã làm hiện lên tư tưởng của Tổng Bí thư về văn hoá một cách thực tiễn nhất, khoa học nhất và nhân văn nhất. Khẳng định về văn hoá là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định mục đích sống, giá trị sống và nhân cách sống của một con người cũng như của một dân tộc. Tổng Bí thư khẳng định khi một con người sống phi văn hoá là một con người có những hành động "ti tiện, đớn hèn, phi pháp và bỉ ổi". Khi nói đến điều đó với những từ ngữ như vậy, chúng ta nhận ra nỗi đau đớn, sự nổi giận của lương tri của người đứng đầu đất nước trước những hành động phi văn hoá, phản văn hoá trong xã hội, đặc biệt trong hệ thống chính trị. Tổng Bí thư cũng nhận ra kẻ thù của dân tộc được đội lốt đạo đức. Tổng Bí thư từng nói: "Đừng thấy đỏ mà tưởng chín", "Chân mình thì lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc đi rê chân người". Đấy là một lối sống giả dối và suy đồi. Đối với một Đảng cầm quyền, những đảng viên có lối sống như vậy chính là những vết hoại tử trong hệ thống chính trị, có nguy cơ tới sự tồn vong của Đảng. Và đối với một đất nước, những con người có lối sống như vậy chính là những ổ dịch bệnh sẽ giết chết nhân tính của một dân tộc.
Rất nhiều người Việt Nam còn nhớ tới một hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự chia sẻ sâu sắc, niềm cảm thông lớn lao và lòng kính trọng với người đứng đầu đất nước. Đó là hình ảnh Tổng Bí thư đã phải rơi nước mắt trong một hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Cho dù chỉ là trong một giai đoạn ngắn ngủi nào đó, chân chính không thắng được bất chính, sự dâng hiến cho con người, cho dân tộc không thắng được sự ích kỷ và lòng tham vô độ. Đấy cũng là một trong những lý do mà Tổng Bí thư đã tiến hành công cuộc chống tham nhũng trong những năm vừa qua. Và lớn hơn, Tổng Bí thư thấu hiểu một cách sâu sắc nhất sứ mệnh của văn hoá đối với một dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng". Khi con người sống với một tâm hồn phong phú, sống có tình thương, có lòng nhân ái, sống vì lẽ phải và sự công bằng thì con người biết sống vì người khác, vì dân tộc, có lòng tự trọng để vượt qua nhũng cám dỗ thấp hèn. Thực tế không ít các cán bộ đảng viên có chức quyền đã gục ngã trước những cám dỗ của đồng tiền. Trong cách nhìn của cá nhân tôi, những đảng viên đó gục gã trước những cám dỗ vật chất không phải do các quy định, do sự giám sát trong hệ thống chính trị mà cụ thể là trong tổ chức Đảng ở các cấp lỏng lẻo mà bởi văn hoá đã không lọt được vào bên trong con người họ. Những vẻ đẹp tràn ngập nhân tính của văn hóa không trở thành khí thở của họ ngày ngày.
Thực tế minh chứng một điều là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực thi sứ mệnh trên cương vị của một người đứng đầu đất nước trong việc bảo vệ sự tồn vong và phát triển đất nước bằng hai con đường song song: luật pháp và văn hoá. Luật pháp là sự nghiêm minh và văn minh của một nhà nước, của một quốc gia, còn văn hoá là tâm hồn và đức hạnh của một dân tộc. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu là thể hiện sự nghiêm minh của một Nhà nước, và lối sống văn minh của một quốc gia, và công cuộc chấn hưng văn hoá là việc xây dựng nhân cách và tư cách của dân tộc.
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: VH) |
3. Tác phẩm về văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được mang tên: "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Đây là tư tưởng lớn xuyên suốt tác phẩm. Ngay từ đề cương về văn hóa năm 1943 của Đảng, ba mục tiêu cơ bản và quan trọng nhất là: dân tộc hoá, đại chúng hoá và khoa học hoá đã trở thành tư tưởng của Đảng về văn hoá. Văn hoá không phải là sự bất động, văn hoá chính là sự chuyển động không ngừng để hoàn thiện những vẻ đẹp của nó qua thời gian, đồng thời mở ra để tiếp nhận những giá trị mới của mỗi thời đại làm phong phú cho nền văn hoá ấy. Tác phẩm về văn hóa Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mở ra nhiều vẻ đẹp, nhiều cấp độ và nhiều kía cạnh mới mẻ và sâu sắc mang tính tư tưởng về văn hóa trong thời đại mới của dân tộc và thế giới.
Lịch sử thế giới cho thấy có những quốc gia bị đánh mất lãnh thổ địa lý và bị xâm chiếm. Nhưng lãnh thổ văn hoá vẫn còn. Lãnh thổ văn hoá nằm trong tâm hồn và nhân cách của mỗi con người thuộc về nền văn hoá ấy. Khi lãnh thổ văn hoá còn thì lãnh thổ địa lý sẽ được phục dựng trong một lúc nào đó. Lịch sử Việt Nam là một minh chứng hùng hồn cho điều này. Việt Nam bị phong kiến Trung Quốc đô hộ gần 1.000 năm, thực dân Pháp đô hộ gần 100 năm, chiến tranh với người Mỹ gần 20 năm. Nhưng trong suốt những năm tháng dưới ách đô hộ của ngoại bang, văn hóa Việt Nam không bị đồng hóa. Ngược lại, văn hóa Việt Nam đã làm ra sức mạnh Việt Nam để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc mình. Khi bản sắc dân tộc mất thì văn hoá dân tộc mất. Nhưng nếu nền văn hoá dân tộc không có khả năng tiếp nhận những giá trị tinh thần mới của thời đại và thế giới thì nền văn hoá ấy sẽ tách rời khỏi đời sống và nó chỉ còn là một sự bất động. Nó không có khả năng đồng hành và lan toả trong đời sống con người. Nó chỉ là một ký ức và dần dần bị lãng quên trong đời sống. Bởi thế dân tộc hoá và khoa học hoá (sự tiến bộ và văn minh) là những yếu tố sống còn của bất cứ nền văn hoá nào. Và đại chúng hoá là tính ưu việt cao nhất trong sự phát triển của một nền văn hoá. Nghĩa là những giá trị văn hoá phải làm cho mọi người dân được thụ hưởng và trở thành những con người trong vẻ đẹp của nền văn hóa ấy.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt văn hoá lên một tầm cao mới. Tất cả những vấn đề mang tính tư tưởng và chiến lược đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm sáng tỏ hơn bao giờ hết trong tác phẩm của mình. Tổng Bí thư đi từ những vấn đề mang tính vi mô đến những vấn đề vĩ mô và ngược lại trong hệ thống lý luận và tư tưởng của mình về văn hoá trong một thời đại mới. Tư tưởng về văn hoá phải được nghị quyết hoá. Nghị quyết là đường lối, là chiến lược nhưng phải được hành động hoá ở mọi lĩnh vực liên quan đến văn hoá và trong đời sống hàng ngày. Chính vậy mà phần 2 của tác phẩm được Tổng Bí thư đề cập đến những vấn đề vi mô một cách vô cùng tinh tế, sâu sắc, đầy trải nghiệm và có sức lan tỏa lớn. Đó là những bài phát biểu trong Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc, trong lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, trong thư gửi báo Văn nghệ Hội nhà văn Việt Nam, trong dịp kỷ niệm thành lập Viện Văn học, trong lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, trong buổi tiếp các đại biểu dự Đại hội gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ, tại Trường Đại học Văn hoá, trong thư gửi Tạp chí nghiên cứu văn học... Tư tưởng của Tổng Bí thư ở đây là văn hoá phải được lan toả và trở thành hành động cụ thể, thiết thực trong mọi ngóc ngách của đời sống. Chỉ như thế văn hoá mới thực thi một cách có sức mạnh nhất sứ mệnh của mình. Văn hoá phải hiển hiện trong tư duy, trong cảm xúc và trong hành động của từng con người, từng bộ phận và cả dân tộc ở mọi nơi mọi lúc.
Chưa bao giờ đất nước Việt Nam cần công cuộc chấn hưng văn hóa như bây giờ. Bởi chỉ có văn hóa mới làm ra tâm hồn, làm ra lý tưởng sống và giá trị sống cho con người và cho dân tộc. Chính vì thế, sự ra đời tác phẩm "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vô cùng cần thiết, vô cùng quan trọng và thực sự cấp bách đối với sự tồn vong và phát triển của dân tộc trong thời đại này. Đấy là con đường duy nhất để dân tộc Việt Nam giữ được độc lập, tự do của mình, để dân tộc Việt Nam làm ra những giá trị cho nhân loại, để con người Việt Nam sống có giấc mơ làm người chân chính và luôn hành động cho giấc mơ kỳ vĩ đó, để đất nước Việt Nam có quyền kiêu hãnh trước mọi quốc gia. Đấy chính là đích mà mỗi người dân và toàn dân tộc Việt Nam bước tới.