Với việc sử dụng "phương pháp ngẫu nhiên Medelian" - kỹ thuật sử dụng các biến thể di truyền làm đại diện cho một yếu tố rủi ro cụ thể - các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu tương tác giữa nồng độ caffein trong máu cao và nguy cơ tiểu đường type 2, mỡ cơ thể cũng như nhóm bệnh tim mạch (bao gồm bệnh động mạch vành, đột quỵ, suy tim, rối loạn nhịp tim, rung nhĩ). Kết quả cho thấy, nồng độ caffein trong máu cao giúp hạn chế cực kỳ hiệu quả lượng mỡ cơ thể cũng như nguy cơ mắc tiểu đường type 2.
Tác dụng thần kỳ của cà phê trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường |
Trước đó, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, mỗi buổi sáng uống một ly cà phê sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cà phê chứa caffeine - một loại chất kích thích tăng cường dẫn truyền xung thần kinh, có tác dụng cải thiện tâm trạng, trí nhớ, khả năng tập trung trong học tập cũng như công việc. Nhờ chứa thành phần polyphenol có tính chống oxy hóa, cà phê giúp trái tim khỏe mạnh, góp phần ngăn ngừa đột quỵ, ung thư... Uống cà phê điều độ một ly mỗi ngày có thể giảm nguy cơ mất trí nhớ, suy giảm nhận thức, bệnh Alzheimer.
Các thành phần chất chống oxy hóa trong cà phê có khả năng duy trì chức năng của các tế bào beta trong tuyến tụy và quá trình chuyển hóa trong cơ thể, từ đó, duy trì sản xuất insulin điều chỉnh đường huyết, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Mặc dù cà phê có tác dụng tích cực ở dạng nguyên chất nhưng lợi ích không giống nhau đối với cà phê có thêm chất làm ngọt hoặc các sản phẩm từ sữa.
Cà phê có thêm đường, kem thường chứa nhiều carbs và giàu calo không tốt cho sức khỏe. Chất làm ngọt được thêm vào cà phê sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 và béo phì. Uống cà phê có nhiều chất béo bão hòa hoặc đường thường xuyên có thể làm tăng thêm tình trạng kháng insulin, góp phần gây ra bệnh tiểu đường type 2.
Đối với người khỏe mạnh, caffeine trong cà phê cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Đau đầu, bồn chồn, lo lắng. Ngay cả khi tiêu thụ vừa phải, vẫn có những rủi ro cần lưu ý, ví dụ tăng cholesterol với cà phê không lọc hoặc cà phê loại espresso, tăng nguy cơ ợ chua, mức đường huyết tăng cao sau bữa ăn.
Bác sĩ Võ Trần Nguyên Duy - Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ: Cho đến nay chưa có bằng chứng xác định cụ thể số gram đường mà người bệnh đái tháo đường có thể tiêu thụ mỗi ngày. Với người bình thường, Hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo mức đường nhanh (đường kính, đường mía...) tiêu thụ mỗi ngày là khoảng 36 gram (9 muỗng cà phê, mỗi muỗng tương đương 4 gram) với nam giới; nữ giới dùng khoảng 25 gram (6 muỗng cà phê).
Người bệnh tiểu đường nên sử dụng lượng ít hơn mức trên. Người bệnh có thể thêm khoảng 1-2 muỗng cà phê đường hoặc sữa đặc để ly cà phê vừa thơm ngon vừa không gây tăng đường huyết. Uống cà phê trong bữa phụ có thể tránh làm tăng lượng đường trong máu.