Người mắc bệnh tiểu đường cần lưu ý chế độ ăn trong ngày Tết như thế nào? Người mắc bệnh tiểu đường có ăn được thịt bò hay không? |
Các nguy cơ do stress gây ra
Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Hải Phòng - chia sẻ: Khi cơ thể rơi vào trạng thái stress thì sẽ làm thay đổi nội tiết tố, hay nói cách khác stress làm tăng đường huyết, nhất là ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thì kiểm soát đường máu rất khó và chính stress tạo điều kiện cho bệnh tiểu đường phát triển.
Stress và bệnh tiểu đường có mối liên hệ mật thiết với nhau, có thể dẫn đến những biến chứng |
Sở dĩ stress được nhận định làm tăng đường huyết là vì khi cơ thể stress những hormon như adrenalin haycortisol được giải phóng vào máu khiến nhịp thở tăng cao. Do vậy, máu đến nhiều hơn ở ngoại biên, cơ thể không thực hiện chuyển hóa glucose nên đường huyết tăng cao trong những trường hợp này. Ngoài ra chúng còn có đặc tính kháng insulin nên càng làm trầm trọng bệnh lý này hơn.
Bên cạnh đó, stress còn khiến bệnh nhân dễ trầm cảm hơn. Số liệu thống kê cho thấy, stress xuất hiện ở khoảng 40% bệnh nhân đái tháo đường type 1 hoặc type 2. Người bệnh trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2 đến 60%. Ngược lại, người mắc bệnh tiểu đường bị căng thẳng có thể dẫn đến trầm cảm. Tỷ lệ trầm cảm cao hơn 3 lần ở bệnh tiểu đường type 1 và gấp 2 lần ở bệnh nhân tiểu đường type 2 so với dân số chung. Trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh tiểu đường có tỷ lệ trầm cảm cao hơn từ 2-3 lần so với thanh niên khỏe mạnh.
Những loại stress dễ mắc phải?
Stress được phân chia thành 2 loại chính là stress cấp tính và stress mạn tính. Stress cấp tính xảy ra nhanh chóng và sớm biến mất. Tình trạng này xảy ra khi chứng kiến hoặc xử lý tình huống nguy hiểm trên đường, lo lắng căng thẳng trước khi làm một việc gì đó…
Stress mạn tính do căng thẳng kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng, nhiều năm mà khó xử lý dứt điểm. Bất kỳ loại căng thẳng nào diễn ra trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng đều được xếp vào căng thẳng mạn tính.
Nhiều người rơi vào stress mạn tính nhưng họ không nhận ra và vấn đề này diễn ra suốt thời gian dài. Thế nhưng, nếu người bệnh không giải quyết được những vấn đề gây ra stress mạn tính sẽ đối diện nhiều nguy hiểm khác cho sức khỏe như trầm cảm, lo âu, cao huyết áp, tim mạch, béo phì, đái tháo đường, rối loạn kinh nguyệt, mụn trứng cá, bệnh chàm…
Làm gì để giảm stress, duy trì chỉ số đường huyết ổn định?
Mặc dù bệnh tiểu đường ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, thói quen sinh hoạt, tuy nhiên vẫn có những cách để kiểm soát tình trạng bệnh, đó là:
Phải tuân thủ điều trị: Người bệnh không tự ý ngưng thuốc hay chỉnh liều lượng thuốc, ngay cả việc uống thuốc phải đúng giờ mỗi ngày, tuân thủ tái khám. Nếu người bệnh có những thay đổi này phải có bác sĩ chỉ định, tái khám đúng hẹn. Bên cạnh thuốc, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày theo bác sĩ dinh dưỡng tiết chế, luyện tập thể dục.
Chế độ ăn uống khoa học, hợp lý: Người bệnh nên chọn nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết ở mức thấp và trung bình để góp phần ổn định đường huyết. Trong bữa ăn chính, người bệnh cần ăn khoảng 300 - 400g rau và 200g trái cây mỗi ngày. Người bệnh phải chọn loại rau có nhiều chất xơ và trái cây ít ngọt.
Những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (20 - 49) như táo, bơ, cherry, bưởi, đào, lê, mận, dâu tây…; chỉ số đường huyết mức trung bình (50 - 69) như trái sung, nho, kiwi, xoài, cam, chuối có vỏ còn xanh…; thực phẩm có chỉ số đường huyết cao từ 70 trở lên thì hạn chế ăn.
Duy trì tập thể dục: Việc duy trì tập thể dục giúp giảm cân, huyết áp, lượng đường và mỡ máu, cải thiện sức khỏe tim mạch và hô hấp. Người bệnh tiểu đường mỗi ngày cần duy trì chế độ tập 30 phút và mỗi tuần tập ít nhất 5 lần để kiểm soát bệnh. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe để có những bài tập thể dục phù hợp; tránh các yếu tố gây stress…