![]() |
Cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam cần có nhiều thay đổi |
Xuất khẩu gặp khó nhưng kinh tế lại xuất siêu
TS. Nguyễn Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) - tại một buổi tọa đàm tổ chức ở Hà Nội đầu tháng 12/2016 đã cung cấp một thông tin khá thú vị: Trước đây, năm nào giải ngân FDI nhiều, năm đó nhập siêu, nhưng từ năm 2008 đến nay, năm nào giải ngân nhiều, năm đó lại xuất siêu. Năm 2016 không phải là một ngoại lệ. Thêm nữa, những mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam gặp không ít khó khăn nhưng tổng kết cả năm, nước ta vẫn xuất siêu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/12/2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa cả nước đạt gần 333,06 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, kim ngạch XK của cả nước đạt gần 167,83 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Thực tế, không phải chờ đến gần cuối năm 2016, chuyện xuất siêu mới được chính thức nhìn nhận. Ông Pieter Pennings - Giám đốc CEL Consulting - cho rằng, đây là điều có thể thấy trước được. Tuy nhiên, cơ cấu XNK của Việt Nam chưa có sự thay đổi đáng kể so với những năm trước.
Nhóm hàng xuất siêu mạnh nhất của Việt Nam là hàng thành phẩm gia công, lắp ráp. Nhóm hàng nhập siêu chủ đạo của Việt Nam là các mặt hàng vật tư, nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sản suất. Điều này cho thấy, đặc điểm nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu và máy móc công nghệ từ nước ngoài. Hiện Việt Nam đang nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị sản xuất từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Báo cáo mới nhất của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp cuối tháng 12/2016 cũng lưu ý đến vấn đề này và thậm chí còn nâng lên thành 1 trong 10 vướng mắc hiện tại của kinh tế Việt Nam. Chính phủ nhìn nhận, việc nỗ lực hội nhập kinh tế vào khu vực Đông Á làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào các nền kinh tế lớn trong khu vực về các nguồn nguyên phụ liệu, thiết bị và công nghệ... Sự tập trung này cũng tạo hiệu ứng cộng hưởng với các nguyên nhân khác dẫn đến nhập siêu của Việt Nam tăng cao từ một số đối tác trong khu vực Đông Á.
Nông nghiệp tăng trưởng ấn tượng
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chưa có năm nào, tăng trưởng nông nghiệp lại đượm màu kịch tính như năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng nông nghiệp âm 0,1%, nhưng từ tháng 7, mưa thuận gió hòa, nông nghiệp tăng trưởng trở lại 0,68%. Kết thúc năm, nông nghiệp vẫn bảo đảm mức đóng góp 17 - 18% GDP.
Từ kinh nghiệm của năm 2016, nhiều ý kiến cho rằng, việc “giải mã” các thách thức của năm 2017 không phải là bất khả thi. Nhưng điều này chỉ có thể trở thành hiện thực khi công tác dự báo nắm tình hình phải được xem là một ưu tiên. |
Tuy nhiên, có 2 trăn trở lâu nay đối với phát triển nông nghiệp và năm 2016 có thể tạo sự khởi đầu để giải quyết rốt ráo. Trăn trở đầu tiên là chuyện thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Tại hội thảo về phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030 do Viện Nghiên cứu thương mại tổ chức giữa tháng 12 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên dồn sức cho XK nông sản, tất nhiên, không phải xuất thô như hiện nay. Đơn cử đối với XK gạo, giải pháp mà lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra là không chạy theo “mác” thứ nhì thế giới về lượng gạo XK, thay vào đó, hạ chỉ tiêu, dồn sức cho xây dựng thương hiệu. Cũng liên quan đến chuyện XK gạo, trong số các TTHC được Bộ Công Thương đơn giản hóa trong năm 2017, khá nhiều thủ tục liên quan đến XK gạo.
Trăn trở thứ hai là việc tạo sức hấp dẫn cho đầu tư vào nông nghiệp. Theo các chuyên gia, tín dụng và đất đai là hai rào cản lớn nhất hiện nay để các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng. Hiện chỉ có khoảng 3.643 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm chưa tới 1% tổng số DN cả nước.
Tại hội nghị về xây dựng nền công nghiệp - nông nghiệp Việt Nam vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định gói tín dụng lên tới 60 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp đó, Thủ tướng cũng nhất trí với ý kiến cần thiết phải sửa Điều 193 Luật Đất đai về điều kiện nhận chuyển nhượng, góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và Thông tư 23 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đất đai để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp.
Với những quyết sách nhanh chóng và mạnh mẽ của Thủ tướng, có thể kỳ vọng, các vướng mắc với nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, sẽ sớm được tháo gỡ.
Những lo lắng trong hội nhập
Độ mở của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016 tiếp tục gia tăng. Việt Nam đã có giao dịch thương mại với gần 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới. 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia và hoàn tất đã đem lại sức mạnh đáng kể cho nền kinh tế, ngay cả khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ với quyết định sẽ bỏ ngang hiệp định TPP cũng không làm cho các chuyên gia kinh tế Việt Nam băn khoăn nhiều.
Nếu vậy thì lo lắng trong hội nhập nằm ở đâu?
Trước hết, đó là việc hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản. Hệ quả là cạnh tranh của nền kinh tế, DN và sản phẩm vẫn còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực. Các ngành kinh tế, các DN mang tính mũi nhọn, có khả năng vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới chưa nhiều, chưa có khả năng đi đầu, kéo các ngành, các DN khác cùng phát triển... Có lúc Việt Nam được một số chuyên gia nước ngoài gọi là “nền kinh tế mobile” do mặt hàng này liên tục chiếm tỷ lệ đáng kể trong kim ngạch XK của Việt Nam nhưng Việt Nam được hưởng lợi gì từ điều này thì vẫn còn là dấu hỏi.
Điều lo lắng nữa chính là tính đồng bộ, gắn kết giữa các lĩnh vực chưa cao, công tác phối hợp về hội nhập giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương, DN chưa tốt. Nhiều vấn đề mang tính liên ngành chậm được xử lý, đặc biệt là trong lĩnh vực nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển hài hòa các yếu tố kinh tế thị trường.
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế là một vấn đề liên ngành song trên thực tế lại được các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách riêng rẽ. Do vậy, xuất hiện tình trạng thiếu đồng bộ trong triển khai chính sách giữa các cơ quan hoặc giữa các địa phương. Giới chuyên gia mô tả, khung cảnh thế giới, ngay cả gần Việt Nam đang thay đổi rất nhanh. Nếu những bất cập trên hoặc nhìn nhận thẳng là “điểm nghẽn” không được tập trung tháo gỡ thì Việt Nam có nguy cơ lỡ chuyến tàu hội nhập ở giai đoạn mới.