Gương mẫu đi đầu
Lũng Vài hiện có 71 hộ dân, trong đó có 46 hộ dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Dao và dân tộc Tày. Năm 2013, sau khi xin nghỉ công việc khuyến nông ở xã Sinh Long (huyện Na Hang), anh Sùng A Lầu trở về quê hương – thôn Lũng Vài, xã Côn Lôn. Thấy anh Lầu nhiệt tình, sốc vác và biết anh đã từng theo học trường kỹ thuật, từng làm công tác khuyến nông nên bà con thôn Lũng Vài tin tưởng bầu anh làm Trưởng thôn.
Bí thư Sùng A Lầu (thứ 2 từ phải sang) cùng các gương điển hình nhận kỷ niệm chương tại Chương trình giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh |
Nhận thấy, đất sản xuất trong thôn chủ yếu là đất đồi, diện tích có thể cấy lúa rất ít nên anh Lầu đã tập trung khai phá, khơi nguồn, bắt nước từ các khe núi về để chuyển đổi diện tích đất đồi của gia đình thành đất ruộng; từ đó, vận động người dân trong thôn làm theo. Với cách làm này, diện tích đất trồng lúa nước ở Lũng Vài đã tăng từ 6 héc-ta lên 15 héc-ta, giúp nhiều hộ trong thôn không chỉ đủ lương thực để ăn mà còn có để dành.
Bên cạnh đó, với kiến thức được học ở nhà trường và qua thực tế làm công tác khuyến nông trước đây, anh Lầu đã mạnh dạn đưa giống ngô lai cho năng suất cao vào sản xuất. Vụ ngô đầu tiên anh Lầu trồng trên diện tích 600m2, do giống ngô có năng suất cao, lại được chăm sóc đúng kỹ thuật nên anh Lầu “thắng lớn”. Thấy hiệu quả, anh Lầu vận động người dân đưa giống ngô mới vào trồng. Đến nay, cả thôn Lũng Vài đã có 40 héc-ta ngô lai trồng hai vụ, không còn diện tích đất bỏ trống vụ hè thu. Nhờ có nguồn thức ăn dồi dào từ trồng cây ngô lai, Lũng Vài có thêm điều kiện để phát triển mạnh chăn nuôi gia súc với trên 500 con trâu, bò, lợn.
Chăn nuôi phát triển mạnh cũng là lúc anh Lầu ái ngại vì trong thôn vẫn còn nhiều hộ buộc trâu dưới gầm sàn, làm chuồng trại gần nhà, công trình vệ sinh nhếch nhác. Chia sẻ trăn trở này, anh Lầu rủ ông Ngô Văn Nó - người có uy tín trong thôn, ông Hoàng Văn Tá - Phó thôn làm hầm biogas, xây dựng 3 công trình hợp vệ sinh đầu tiên trong thôn. Sau đó cùng quay ra thuyết phục bà con trong thôn. “Để bà con thay đổi nếp sinh hoạt từ nhiều đời, chúng tôi phải vận động rất nhiều. Sáng đến vận động không nghe thì chiều lại đến vận động tiếp” – anh Lầu nhớ lại. Đến nay, Lũng Vài đã có tới trên 80% hộ dân có 3 công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, không còn hộ nào làm chuồng trại gần nhà, buộc gia súc dưới gầm sàn.
“Giúp được bà con cái gì thì mình phải hết sức làm”
Đến Lũng Vài hôm nay, nhắc đến Sùng A Lầu, bà con ai cũng tin yêu, quý mến bởi tấm lòng của anh dành cho thôn, bản. Khi biết gia đình chị Lù người cùng thôn bị gió lốc cuốn mất ngôi nhà, anh Lầu vận động tất cả đảng viên trong chi bộ, những hộ không bị ảnh hưởng bởi trận lốc này đến giúp đỡ 4 ngày công lao động để vợ chồng chị Lù và hai con nhỏ có ngôi nhà ở mới. Ngoài ra, anh Lầu còn vận động nhân dân trong thôn đóng góp trên 400 ngày công lao động để tham gia xây dựng lớp học, nhà văn hóa, sân thể thao. Qua đó, góp phần không nhỏ giúp xã Côn Lôn hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới từ năm 2016.
Nhắc về những công việc đã làm được cho Lũng Vài, cho đồng bào Mông, Dao, Tày trong thôn, anh Sùng A Lầu cười thật hiền: “Từ khi trở thành đảng viên, mình gần gũi và biết cách thuyết phục bà con hơn. Giúp được bà con cái gì thì mình phải làm hết sức. Việc gì cần vận động bà con thì mình phải làm trước. Khi không may thôn, bản gặp thiên tai thì việc nhà phải gác lại, lo cho bà con trước”…
Với suy nghĩ này, cùng đôi chân chăm đi, miệng nói tay làm…, Bí thư Chi bộ Sùng A Lầu thực sự là tấm gương sáng để đồng bào ở Lũng Vài nhìn vào, từ đó tự tin thay đổi cách nghĩ, cách làm theo hướng tích cực để vượt khó vươn lên.