Sửa Luật Báo chí: Khai thác thông tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử lý Hội thảo khoa học về tổng kết, sửa đổi Luật Báo chí 2016 |
Mở rộng đối tượng quản lý
Với thực tiễn truyền thông như hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, nên đổi thành Luật Báo chí truyền thông, mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh, bao gồm 4 nhóm đối tượng chính tác động qua lại: Báo chí - các phương tiện truyền thông đại chúng khác trong xã hội thông tin; truyền thông liên cá nhân trong hệ sinh thái số; truyền thông xã hội; mạng xã hội.
Việc sửa Luật Báo chí 2016 cần đề cập tới quyền và trách nhiệm của tất cả các chủ thể của báo chí số và truyền thông đa nền tảng, chủ thể trong nước và nước ngoài, bổ sung và nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của công chúng số. Đồng thời định hướng phát triển các nền tảng số như: website, ứng dụng di động để thuận lợi hơn cho phát triển và quản lý báo chí số; tạo điều kiện pháp lý để tăng cường chất lượng và phạm vi phát hành nội dung báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới, các mạng xã hội.
Tổng giám đốc Vũ Việt Trang (phải) giới thiệu với đại biểu về gian trưng bày của TTXVN tại Hội báo 2022. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN |
Trong khi đó, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thúy Hằng - Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng, cần có quy định về báo in, tạp chí in, báo điện tử và tạp chí điện tử.
Từ góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin Truyền thông -TTTT) cho rằng, nên xem xét xây dựng mô hình tổ hợp báo chí truyền thông là đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước. Tổ hợp có thể có nhiều cơ quan báo chí, nhà xuất bản trực thuộc, hoạt động đa loại hình, đa nền tảng, đa dịch vụ. Đồng thời, về chức danh lãnh đạo cơ quan báo chí quy định theo hướng “chủ báo”, “chủ bút”. Đây cũng là hướng đi để hình thành những cơ quan báo chí lớn của đất nước và tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đối với các cơ quan chủ quản, địa phương nhiều cơ quan báo chí có truyền thống, uy tín và vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
Tiến sỹ Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký Biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam VOV đặt vấn đề: Sản phẩm của nền kinh tế là hàng hóa dịch vụ. Vậy sản phẩm báo chí có được coi là hàng hóa hay không? Công chúng có thể được coi là khách hàng của kinh tế báo chí hay không? Những điều này chưa được quy định trong Luật Báo chí.
Theo ông Đồng Mạnh Hùng, chưa có quy định về chức năng kinh doanh của báo chí. Vì vậy cần quy định và phân định về chức năng chính của báo chí là chức năng tuyên truyền và kinh doanh. Cần coi sản phẩm báo chí là một loại hàng hóa đặc biệt, các sản phẩm này cũng có sự cạnh tranh, cung - cầu, giá cả, vận hành theo quy luật của nền kinh tế thị trường, cũng như công chúng báo chí chính là những khách hàng của cơ quan báo chí.
Đáp ứng sự thay đổi
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và hoạt động liên quan đến báo chí phát triển; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, sau hơn 6 năm thi hành Luật Báo chí, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cơ quan báo chí có hai vai trò. Một là vai trò của đội ngũ tham gia bảo vệ chế độ. Nhưng bên cạnh đó, báo chí cũng là những cơ quan cung cấp dịch vụ công là thông tin tuyên truyền thiết yếu.
Vậy cơ sở khoa học nào để làm rõ mối quan hệ giữa cơ quan báo chí và bên chủ quản, cao hơn là Nhà nước trong vai khách hàng lớn của báo chí. Do đó, cần có cơ sở khoa học để khi trình bày có thể thuyết phục được các cấp, ngành, thuyết phục được xã hội, khi câu chuyện của báo chí và kinh tế báo chí còn là vấn đề nhức nhối.
"Trong khi đó, các hình thái khác của thông tin xã hội sẽ nhanh chóng thay thế một số vai trò của báo chí nếu như chúng ta không tính toán đến việc nâng tầm đội ngũ báo chí cách mạng. Rất nhiều vấn đề như vậy chúng tôi mong muốn các trường đại học, cơ sở đào tạo, nghiên cứu, giúp đỡ cho để có những công trình nghiên cứu để sửa Luật Báo chí 2016", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ.