Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả: Không thể chậm trễ. Bài 2: Khoảng cách lớn từ Luật đến thực tiễn
Cùng với sự ra đời của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK&HQ), nhiều văn bản pháp luật và các cơ chế, chính sách cũng được ban hành, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong nền kinh tế.
Hình thành các phong trào tiết kiệm năng lượng
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan việc sử dụng NLTK&HQ toàn xã hội.
Cụ thể, Luật sử dụng NLTK&HQ ban hành năm 2010; Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng NLTK&HQ triển khai trong giai đoạn 2006-2015, đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE); tiếp nối là Chương trình quốc gia về sử dụng NLTK&HQ giai đoạn 2019-2030; Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025…
Tăng trưởng điện thương phẩm gây áp lực lên hệ thống điện |
Ông Đặng Hải Dũng - Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (TKNL), Bộ Công Thương - cho biết: “Cùng với sự ra đời của Luật sử dụng NLTK&HQ, một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được khẩn trương xây dựng và ban hành, tạo thành khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, đảm bảo cho tính thực thi các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng NLTK&HQ bao gồm các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng, quy chuẩn kỹ thuật về hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các trang thiết bị mục tiêu, các văn bản hướng dẫn tác nghiệp…”.
Tính đến nay, 26 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành ở cấp Trung ương; 50 bộ Tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng được xây dựng và triển khai trên thực tế.
Việc hình thành hệ thống văn bản pháp lý về sử dụng NLTK&HQ một cách đồng bộ, thống nhất và sự vào cuộc của hệ thống chính trị trên phạm vi toàn quốc đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của toàn xã hội.
“Các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức chính trị xã hội nhiệt tình ủng hộ và hăng hái vào cuộc tham gia các hoạt động sử dụng NLTK&HQ. Nhiều hoạt động đã trở thành phong trào và có tính lan tỏa rộng rãi như “Cuộc thi hộ gia đình tiết kiệm điện” do Hội Phụ nữ các cấp tiến hành hoặc Chương trình “Giờ trái đất” được đông đảo hội thanh niên, sinh viên các trường đại học tham gia hưởng ứng…” - ông Đặng Hải Dũng chia sẻ.
Rõ nét nhất là sự vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương, cụ thể giai đoạn 2011-2015 lượng TKNL tăng gần gấp đôi của giai đoạn trước (2006-2010), trong đó giai đoạn 2 – theo báo cáo của Viện Năng lượng 2016, mức tiết kiệm thực tế đạt được là 5,65%, tương đương với 11.2 KTOE.
“Việc ban hành kịp thời các chính sách, văn bản pháp luật đã giúp huy động các nguồn lực sử dụng NLTK&HQ. Đồng thời, hình thành thói quen sử dụng NLTK&HQ trong mọi hoạt động của xã hội” - ông Đặng Hải Dũng cho biết thêm.
Thực tiễn triển khai
Sau 12 năm triển khai, thực hiện Luật sử dụng NLTK&HQ, việc sử dụng NLTK&HQ đã từng bước hình thành trong nhận thức và áp dụng trong sản xuất và đời sống, mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng tại nước ta vẫn còn biểu hiện lãng phí, thiếu hiệu quả.
Ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển về TKNL (ENERTEAM) - cho hay, sau 12 năm triển khai Luật, chúng ta thành công trong công tác xây dựng các văn bản chính sách, các quy định về định mức kỹ thuật, dán nhãn năng lượng, tuyên truyền về sử dụng NLTK&HQ, triển khai thí điểm các mô hình, giải pháp tiết TKNL… nhưng mức độ triển khai áp dụng chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng; còn lại các ngành nông nghiệp hay giao thông... vẫn chưa triển khai nhiều, hoặc triển khai mang tính phong trào.
Ông Đặng Hải Dũng cho rằng, tính tuân thủ Luật của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, có hiện tượng doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm các quy định về lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng NLTK&HQ; thực hiện kiểm toán năng lượng; hoặc thực hiện một cách hình thức, đối phó với cơ quan quản lý nhà nước. Thêm vào đó, việc áp dụng các quy định về quản lý năng lượng còn chưa đồng đều giữa các ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện |
Nhìn ở một góc độ khác, ông Mã Khai Hiền cho rằng, đối tượng áp dụng Luật phải tuân thủ bắt buộc chủ yếu là các đơn vị trọng điểm về sử dụng năng lượng (=> 1000 tấn dầu quy đổi, khoảng 1000 TOE) đối với doanh nghiệp sản xuất và (=> 500 tấn dầu quy đổi) đối với dịch vụ, tòa nhà. Do đó, các đối tượng còn lại thì chủ yếu triển khai mang tính áp dụng khuyến khích, không mang tính bắt buộc nên áp dụng Luật còn chủ quan, nhận thức chưa cao, lơ là, dẫn đến chưa đạt được mục tiêu của Luật.
Trong khi đó, công tác phát triển nguồn nhân lực (quản lý viên năng lượng và kiểm toán viên năng lượng) phục vụ các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm chưa theo kịp các yêu cầu phát triển của thị trường.
“Chúng ta thiếu công cụ hỗ trợ tài chính đủ mạnh cho việc sử dụng NLTK&HQ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy Quỹ từ TKNL cũng là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ việc phát triển thị trường cho các công ty dịch vụ tư vấn năng lượng (bao gồm cả ESCO nhà nước và ESCO tư nhân)” - ông Dũng nêu góp ý.
Ông Bùi Thanh Hùng - Giảng viên Khoa Năng lượng Nhiệt, Đại học Bách Khoa Hà Nội - cho rằng, chúng ta cần kiểm soát và mở rộng đối tượng doanh nghiệp bắt buộc phải thực thi các biện pháp TKNL, thay vì chỉ giới hạn trong các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm. Ngoài việc tăng cường các chế tài, cần kèm theo cơ chế khuyến khích để các doanh nghiệp chủ động thực hiện TKNL, thay vì tập trung các hoạt động tuyên truyền và khuyến khích như thời gian qua.
Cũng theo ông Hùng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công thì các hành vi lãng phí điện, xăng dầu tại công sở đều bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng. Những quy định xử phạt này cũng nên được xem xét đã được thực thi thế nào?
Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2022/NĐ-CP trong đó quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong sử dụng NLTK&HQ với các mức phạt khá cao, có những mức phạt lên tới 100 triệu đồng.
Việc xây dựng ý thức TKNL trong sản xuất và đời sống không chỉ có ý nghĩa đối với kinh tế, mà đó chính là biểu hiện của một xã hội văn minh, giảm tác động với môi trường, phát triển bền vững. Điều này càng có ý nghĩa khi Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, quyết tâm giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để Chương trình Sử dụng NLTK&HQ của Việt Nam mang lại hiệu quả cao hơn nữa, rất cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời có những chế tài đủ mạnh để các đối tượng sử dụng năng lượng phải tuân thủ, thực hiện |
Bài 3: Thấy gì từ kinh nghiệm quốc tế?