Chủ động thích ứng
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để trụ vững và phát triển, yêu cầu đặt ra cho các DN là phải CĐS, ứng dụng các công nghệ bán hàng trực tuyến. Bắt nhịp nhanh với xu thế trên, Công ty TNHH Glovimex – một DN chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đã nhanh chóng chuyển đổi từ mô hình kinh doanh offline sang online để quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm của công ty đã có vị thế nhất định trên sàn TMĐT.
TMĐT mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp |
Bà Đoàn Thúy - đại diện công ty - cho biết, khi DN chuyển đổi sang kinh doanh theo phương thức TMĐT, doanh thu bán hàng tăng nhanh so với phương thức truyền thống. Đặc biệt, với sản phẩm của DN là thủ công truyền thống, nếu tham gia các hội chợ thì chi phí tốn kém và lại chỉ có một số dịp nhất định trong năm. Khi có TMĐT hỗ trợ, DN không chỉ tiết kiệm được chi phí đi lại, nhân sự, mà còn tiếp cận nhiều khách hàng, từ đó tăng doanh thu.
Cũng là một DN CĐS kịp thời, Công ty Cổ phần Thương mại sản xuất Hoàng Thu Yến – chuyên sản xuất yến, đã linh hoạt thay đổi kênh phân phối, đẩy mạnh truyền thông, tìm kiếm đối tác, phát triển kênh bán hàng online, đồng thời nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm mới, phù hợp nhiều đối tượng khách hàng có nhu cầu chăm sóc sức khỏe mùa dịch bệnh.
Chị Hoàng Thu Yến - Giám đốc công ty - cho biết: “Dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến các DN ngành sản xuất. Với DN của chúng tôi giảm doanh thu kênh B2B (DN với DN) đến 70%. Mặc dù vậy, chúng tôi đã chú trọng phát triển kênh B2C (công ty với khách hàng) và đã ghi nhận sự chuyển hướng đúng đắn do nhu cầu sản phẩm chăm sóc sức khỏe mùa dịch tăng cao”.
Đa dạng giải pháp
Chia sẻ về giải pháp hỗ trợ DN đẩy nhanh quá trình CĐS, bà Đinh Thị Thúy - Tổng giám đốc Công ty CP Misa - khẳng định, chính trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh lại là cơ hội tạo "đòn bẩy" thúc đẩy DN gia tăng CĐS. “Misa hiện đang cung cấp một nền tảng quản trị DN hợp nhất Misa Amis, làm việc hoàn toàn trên môi trường online, tích hợp toàn bộ các nghiệp vụ quản trị trong DN từ kế toán, bán hàng, nhân sự... phù hợp với nhu cầu của mọi loại hình DN” - bà Thúy cho biết.
Đặc biệt theo các chuyên gia kinh tế, để bán hàng hiệu quả trên các sàn TMĐT, DN cần tận dụng số hóa thông minh trong chiến lược marketing nhằm đem lại hiệu quả tốt hơn. Cùng với đó, DN cần quan tâm hơn đến xây dựng và giải pháp nhận diện thương hiệu, nhất là khi người mua hàng đang quan tâm đến các kênh mua-bán trực tuyến, công cụ tìm kiếm, website của nhà cung cấp…
Ông Nguyễn Thiên Phúc - Giám đốc vận hành và kinh doanh Công ty Innovative Hub Việt Nam - chia sẻ: “Trước tiên các DN phải có website, thứ hai với DN đã chọn lựa một nền tảng TMĐT vẫn nên tham gia phối hợp với các bên hoặc các công ty đối tác, để hỗ trợ DN phải đảm bảo hiệu quả trên nền tảng đó”. Cùng với sự phát triển của TMĐT, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng lựa chọn mua hàng online. Tuy nhiên, TMĐT cũng có nhiều rủi ro từ công nghệ hay lừa đảo, hackers, đồng thời chịu tác động bởi các lệnh cấm vận về kinh tế... Vì vậy, bên cạnh xây dựng chính sách bán hàng đầy đủ, DN cần tìm hiểu và nắm bắt luật chơi trên các sàn TMĐT để hạn chế rủi ro và nguy cơ thiệt hại về kinh tế.
TMĐT được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Nhằm đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho DN, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tới đây sẽ triển khai Chương trình GoOnline, nhằm đồng hành cùng DN trong quá trình ứng dụng TMĐT từ khi bắt đầu đến lúc kinh doanh, hoạt động được trên môi trường trực tuyến. |