Tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ
Qua số liệu tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, có thể nhận thấy, tuy tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, điều kiện kinh tế, ngân sách nhà nước còn khó khăn song nhiều địa phương vẫn dành sự quan tâm lớn cho hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), nhiều địa phương đã cân đối, bố trí nguồn lực cao hơn mức cân đối từ Trung ương.
KH&CN đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa |
Điển hình, tỉnh Lào Cai đã bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN cao hơn số kinh phí Trung ương giao gấp 2,72 lần; tỉnh Thanh Hóa đã bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN cao hơn số kinh phí Trung ương giao gấp 2,56 lần.
Theo Bộ KH&CN, năm 2021, kinh phí sự nghiệp KH&CN do Trung ương cân đối là 3.106 tỷ đồng, UBND tỉnh/thành phố phê duyệt là 4.095 tỷ đồng (đạt 131,8% so với kinh phí Trung ương cân đối), kinh phí thực hiện đạt 3.581 tỷ đồng (chiếm 115,3% so với kinh phí Trung ương cân đối và 87,4% so với kinh phí UBND tỉnh, thành phố phê duyệt). Đáng chú ý, ngân sách do các tỉnh/thành phố dành cho đầu tư phát triển KH&CN là 888 tỷ đồng (thống kê được 26 tỉnh/thành phố), kinh phí thực hiện đạt 841 tỷ đồng (chiếm 94,7%).
Bên cạnh đó, công tác xã hội hoá trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ngày càng được các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất kinh doanh quan tâm thông qua việc ứng dụng thiết bị khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, đối ứng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia do ngân sách nhà nước hỗ trợ
Báo cáo tại Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc năm 2022, đại diện Bộ KH&CN nêu dẫn chứng, Công ty Cổ phần Phân bón Cà Mau đầu tư 110 tỷ đồng để đổi mới, cải tiến dây chuyền công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm phân bón và tạo sản phẩm mới chất lượng cao; Công ty Cổ phần Mỹ Lan tỉnh Trà Vinh đã đầu tư cho việc nghiên cứu làm chủ và ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm chất lượng cao với kinh phí gần 70 tỷ đồng;
Một ví dụ khác là Tập Đoàn Sao Mai tỉnh An Giang đã dành khoảng 70 tỷ cho đổi mới công nghệ trong hệ thống dây chuyền thiết bị chế biến dầu ăn cao cấp từ mỡ cá Tra; Tập đoàn Lộc Trời An Giang đầu tư trên 60 tỷ đồng cho nghiên cứu, phát triển các giống lúa đặc sản chất lượng cao và đổi mới công nghệ chế biến nông sản.
Hay, Công ty Dược Hậu Giang dành hơn 30 tỷ đồng để cải tiến công nghệ sản xuất các loại dược phẩm; Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Trung An TP Cần Thơ đầu tư khoảng 90 tỷ đồng cho đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến lúa gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; Công ty Vĩnh Hoàn Đồng Tháp đầu tư hơn 85 tỷ đồng để đổi mới công nghệ chế sản phẩm cá tra fillet chất lượng cao xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và Nhật Bản…
Triển khai hơn 2.000 nhiệm vụ khoa học
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, Bộ KH&CN đã xem xét hỗ trợ 311 nhiệm vụ thuộc các Chương trình KH&CN cấp quốc gia, các địa phương đã triển khai 2.104 nhiệm vụ KH&CN năm 2021. Các nhiệm vụ tập trung ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp cũng như thúc đẩy phát triển hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, là năm tăng tốc triển khai kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Trong các Nghị quyết này, nội hàm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được đề cập nhiều. “Có thể nói Chính phủ đã coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là giải pháp đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Đồng thời ở cả trong 2 Nghị quyết đó, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ KH&CN nói riêng và ngành KH&CN nói chung rất nhiều nhiệm vụ phải tập trung triển khai thực hiện” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ KH&CN và các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố đã chủ động ban hành các văn bản để cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH&CN trên địa bàn; các cơ chế, chính sách được triển khai, vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo; tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế phát triển của địa phương; tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN phục vụ tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng: KH&CN đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa. Khoa học và công nghệ đã và đang khẳng định vị thế và đóng góp thiết thực, hiệu quả và rất rõ nét cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. |