Vấn đề thủy điện nhỏ phải được nhìn nhận rõ ràng |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, đến tháng 8/2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 76 thủy điện nhỏ đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng công suất 907,4 MW, trong đó: 56 dự án đã hoàn thành phát điện lên lưới quốc gia với tổng công suất lắp máy 664,7 MW, điện lượng sản xuất theo thiết kế khoảng 2,2 tỉ kwh/năm (chiếm khoảng 16,4% tổng sản lượng điện sản xuất của tỉnh), giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 2.600 tỉ đồng; 05 dự án đang triển khai xây dựng; 03 dự án đang ở giai đoạn lập dự án, chuẩn bị đầu tư; 11 dự án mới được bổ sung Quy hoạch đang làm thủ tục cấp phép đầu tư.
Ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, việc đầu tư phát triển thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh đã góp phần đáng kể vào chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xanh và bền vững. Đồng thời, 56 dự án đã đóng góp ổn định và bền vững cho ngân sách địa phương mỗi năm hơn 400 tỉ đồng; Góp phần bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn thông qua chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (mỗi năm thu tiền dịch vụ môi trường rừng từ thủy điện nhỏ khoảng 67 tỉ đồng).
Nguồn thu thuế từ các nhà máy thủy điện nhỏ đã giúp tỉnh đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, việc đầu tư và xây dựng các công trình thủy điện đã tạo điều kiện phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh như, điện, đường, trường, trạm…Cụ thể, các thủy điện đã đầu tư các hệ thống điện: cấp điện cho bản Pá Xá Hồng, bản Nậm Hồng, huyện Mường La, bàn giao hệ thống điện để đấu nối thi công cấp điện cho bản Làng Sáng, bản Háng Đồng C, huyện Bắc Yên; đầu tư xây dựng mới hơn 400 km đường giao thông; ủng hộ xây dựng nhà văn hóa của các bản…giải quyết việc làm cho khoảng 700 lao động là người địa phương với thu nhập bình quân của lao động trong các nhà máy thủy điện khoảng 80 - 100 triệu đồng/năm.
Toàn cảnh Hội nghị |
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song theo ông Nguyễn Thành Công, công tác quản lý, phát triển thủy điện nhỏ vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được tăng cường chấn chỉnh. Ngoài ra trong những năm qua việc biến đổi khí hậu và chất lượng rừng suy giảm dẫn đến sản lượng điện sản xuất của các nhà máy thủy điện sụt giảm nhiều so với thiết kế.
Do đó, mục đích của UBND tỉnh Sơn La tại hội nghị nhằm rà soát, đánh giá công tác phát triển thủy điện trên địa bàn; đề xuất các giải pháp quản lý phát triển thủy điện nhỏ một cách an toàn, hiệu quả, bền vững; thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, an ninh, xã hội; góp phần chuyển dịch năng lượng, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Ông Nguyễn Thành Công cho biết, với nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương sẽ càng ngày càng tăng khi địa phương đã và đang hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hoá, thu hút các nhà máy chế biến sản phẩm theo chuỗi, do đó một số huyện nên nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo như điện gió…để bổ sung nguồn điện cho tỉnh cũng như đóng góp cho hệ thống điện quốc gia.
Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chủ trì hội nghị |
Tại Hội nghị, đại diện các Sở, ngành, các doanh nghiệp đầu tư thuỷ điện đã báo cáo tình hình triển khai; đóng góp các giải pháp nhằm phát triển thuỷ điện nhỏ hiệu quả, bền vững.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã giao nhiệm vụ cho các Sở ngành, huyện tiếp tục rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền để bổ sung quy hoạch đối với các dự án thuỷ điện có hiệu quả, không ảnh hưởng lớn đến môi trường, không chiếm dụng rừng tự nhiên, không gây ảnh hưởng lớn tới dân; Tiếp tục nâng cao công tác quản lý các dự án, công trình thuỷ điện theo quy định của pháp luật; Chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư khắc phục những tồn tại; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Kiên quyết thu hồi các dự án, kiến nghị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực nếu không thực hiện đúng quy định; Khẩn trương tham mưu, xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du…với mục tiêu khai thác hiệu quả nguồn thủy điện nhưng phải đảm bảo môi trường cũng như cuộc sống của người dân.
Đối với các chủ đầu tư dự án/công trình thủy điện nhỏ, cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, tài chính, đất đai, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, an toàn đập, vận hành hồ chứa, công tác thông tin, phòng chống lũ bão, quy chế phối hợp và các cam kết với nhân dân, chính quyền địa phương…đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng con người, an toàn trong thi công xây dựng và vận hành sản xuất.