Với sản lượng thu hái trung bình hàng ngày đạt từ 70-80kg, giá bán khoảng 150.000 đồng/kg như hiện nay, cây dâu tây đã giúp mỗi hộ dân ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã có thu nhập trên 10 triệu đồng.
Những năm gần đây, cây dâu tây không chỉ góp phần đưa người dân thoát nghèo mà có những hộ đã trở thành tỷ phú nhờ loại cây này.
Gia đình chị Hoàng Thị Thụy, bản Tân Quỳnh, xã Cò Nòi, bắt đầu trồng cây dâu tây được khoảng 2 năm nay trên diện tích hơn 3.000m2.
Trước đây, diện tích đất này gia đình chị chủ yếu trồng ngô, sắn nhưng thu nhập hàng năm bấp bênh, không đảm bảo.
Từ khi bà con trong vùng đưa cây dâu tây về trồng gia đình chị đã đi học hỏi kỹ thuật và bắt đầu làm theo.
Dù mới trồng loại cây này trong thời gian ngắn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại đã thay đổi rõ rệt.
Chị Hoàng Thị Thụy cho hay vào vụ dâu tây, đều đặn cứ hai ngày một lần gia đình chị lại thu hái quả. Trung bình mỗi lần thu được khoảng 80kg, với mức giá hiện nay dao động từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng tùy vào kích cỡ quả dâu thì thu nhập đạt khoảng 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Tính chung toàn vụ gia đình chị có mức thu nhập trên 500 triệu đồng.
Cây dâu tây tại được trồng ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn bắt đầu từ khoảng tháng 11 hằng năm. Thời điểm cho thu hoạch bắt đầu từ cuối tháng 12 năm trước đến tháng Ba năm sau.
Với những hộ trồng trên diện tích lớn thì loại cây này đã mang lại thu nhập mà khó có loại cây nào khác ở đây có thể sánh bằng.
Anh Lê Trung Toàn, bản Nong Quỳnh, xã Cò Nòi, hiện có khoảng 1ha đất trồng dâu tây. Để có thể chăm sóc diện tích cây dâu tây lớn như vậy anh phải thuê thêm 3 nhân công cố định. Còn những lúc thu hái thì phải có khoảng 10 lao động thời vụ cùng làm.
Cây dâu tây được biết đến là một trong những loại cây khá khó tính, nên việc chăm sóc đòi hỏi phải hết sức cẩn thận. Ngay từ khâu làm giống, đến khi ra hoa, đậu quả và thu hái đều phải theo một quy trình khắt khe hơn các loại cây khác.
Anh Lê Trung Toàn cho biết trên cùng một diện tích khi so với các loại cây trồng khác như ngô, khoai sắn thì cây dâu tây cho hiệu quả kinh tế gấp khoảng 10 lần.
Hiện nay, với diện tích 1ha đất trồng dâu tây, sản lượng ước tính khoảng 15 tấn/năm, với mức giá trung bình từ 150.000 đồng đến trên 200.000 đồng gia đình anh có thể đạt mức thu nhập hơn một tỷ đồng.
Đặc biệt, quả dâu tây sau khi thu hái đều được anh bán cho các siêu thị và thị trường các tỉnh phía Bắc. Hơn nữa, quả dâu thu hái đến đâu thì bán hết đến đó, không sợ bị ế ẩm như các loại cây ăn quả khác.
Cây dâu tây được đưa vào trồng tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn từ năm 2016, đến nay đã hình thành vùng chuyên canh rộng lớn với sự tham gia của hàng trăm hộ dân và nhiều hợp tác xã.
Hợp tác xã dâu tây Xuân Quế được biết đến là một trong những đơn vị tiên phong trong việc thử nghiệm và đưa giống dâu tây mới có hiệu quả cao vào sản xuất đại trà.
Ngoài ra, hợp tác xã này còn thực hiện việc liên kết, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trồng dâu tây trong vùng.
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã dâu tây Xuân Quế, thông tin hiện nay hợp tác xã có 12 thành viên, diện tích trồng dâu tây trên 12ha, trung bình mỗi ngày sản xuất khoảng 1 tấn dâu tây. Ngoài ra, hợp tác xã còn bao tiêu, tiêu thụ thêm khoảng 0,6 tấn đến 0,8 tấn quả dâu tây cho người dân. Hiện nay, thu nhập trung bình của các thành viên trong hợp tác xã đều đạt từ trên 1 tỷ đồng/năm.Dự kiến, trong vụ dâu tây năm 2022 tổng sản lượng sản xuất, tiêu thụ đạt khoảng 300 tấn. Đáng lưu ý, trong quá trình sản xuất, hợp tác xã luôn chú trọng việc đảm bảo kỹ thuật, chất lượng như sử dụng phân bón hữu cơ, phun bằng thuốc sinh học.
Ngoài ra, hiện hợp tác xã có 5ha dâu tây được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGap.
Trong dịp giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, dự kiến hợp tác xã sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 50 tấn dâu tây.
Hiện nay, cùng với các loại cây khác như na, xoài, nhãn, dâu tây đang trở thành cây trồng chủ lực của xã Cò Nòi và huyện Mai Sơn. Với tổng diện tích trên 70ha, xã Cò Nòi hiện là vùng trồng dâu tây lớn nhất tỉnh Sơn La. Để đảm bảo năng suất, chất lượng các hộ trồng dâu tây đã thực hiện quy trình sản xuất áp dụng công nghệ cao và đưa giống mới của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản vào canh tác.
Ông Phạm Bá Tính, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, cho biết hiện xã đã quy hoạch các vùng để sản xuất chuyên canh, hướng tới mục tiêu trong thời gian tới sẽ xây dựng thương hiệu dâu tây Mai Sơn. Từ đó, đưa quả dâu tây đến các thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Để thực hiện điều này, chính quyền địa phương đã định hướng để người dân đảm bảo vùng trồng, chất lượng sản phẩm; đồng thời, khuyến khích sự đồng hành, liên kết giữa các hợp tác xã, nhà sản xuất với nhau để đảm bảo sản xuất theo quy trình sạch, theo tiêu chuẩn VietGap, đảm bảo đúng cam kết với các nhà thu mua./.